Tác giả tác phẩm Lòng yêu nước của nhân dân ta (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Lòng yêu nước của nhân dân ta Ngữ văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 213 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Ngữ văn 8

I. Tác giả Hồ Chí Minh

loading...

- Hồ Chí Minh (1890-1969), quê tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Người là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tran và giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dụng chủ nghĩa xã hội.

- Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng và cầm bút, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn học rất phong phú, gồm văn chính luận, truyện kí, thơ ca,...

- Về văn chính luận, phải kể đến một số áng văn nổi tiếng như Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966),...

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới.

II. Đọc tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược dến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ[6] quyên đất ruộng cho Chính phủ,... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.
Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

III. Tìm hiểu tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

1. Thể loại

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta thuộc thể loại nghị luận xã hội.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Văn bản được trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951của Đảng Lao động Việt Nam họp tại Việt Bắc, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Nhan đề: do người soạn sách giáo khoa đặt.

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta có phương thức biểu đạt là nghị luận.

4. Ý nghĩa nhan đề Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Văn bản viết về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nhan đề văn bản đã khái quát nội dung, nêu lên vấn đề mà văn bản bàn luận.

5. Bố cục văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

- Chia văn bản thành 3 phần

+ Phần 1: Từ đầu đến “lũ cướp nước”: Nêu vấn đề nghị luận: Nhận định chung về lòng yêu nước của nhân dân ta.

+ Phần 2: Tiếp đến “nơi lòng nồng nàn yêu nước”: Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta.

+ Phần 3: Còn lại: Nhiệm vụ của mọi người.

6. Tóm tắt văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Lòng yêu nước đó dâng trào mãnh liệt và sôi nổi khi có giặc xâm lược. Tinh thần yêu nước được thể hiện hào hùng qua những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước bởi tình yêu nước xuất phát ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền, mọi nghề nghiệp, tuổi tác,.. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý vì vậy bổn phận của chúng ta là trưng bày vẻ đẹp của quý ấy. Đó là nhiệm vụ của tất cả công dân Việt Nam.

7. Giá trị nội dung

- Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Và nó cần phải được phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới để bảo vệ đất nước.

8. Giá trị nghệ thuật

- Dẫn chứng tiêu biểu, cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục.

- Lí lẽ thống nhất với dẫn chứng và được diễn đạt dưới hình ảnh so sánh sinh động, dễ hiểu.

- Bố cục chặt chẽ, lập luận mạch lạc.

- Giọng văn tha thiết, giàu cảm xúc.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

1. Nhận định chung về lòng yêu nước

- Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, nồng nàn, chân thành và luôn sục sôi

- Tinh thần yêu nước ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nõ lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.

⇒ Gợi sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của lòng yêu nước

2. Những biểu hiện của lòng yêu nước

- Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…

- Lòng yêu nước ngày nay của nhân dân ta:

+ Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc

+ Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc

+ Những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội

+ Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải

+ Những bà mẹ yêu thương bộ đội như con đẻ của mình

+ Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất

+ Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…

⇒ Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ lòng yêu nước

3. Nhiệm vụ của mọi người

- Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến

⇒ Cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể

V. Các đề văn mẫu

Đề bài 1: Phân tích tác phẩm Lòng yêu nước của nhân dân ta

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng, mà còn là một nhà văn, nhà thơ. Các tác phẩm của Bác đã để lại những giá trị to lớn cả về nội dung và nghệ thuật. Trong đó có bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”.

“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” được trích trong “Báo cáo Chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Qua đoạn trích này, tác giả đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”

Phần mở đầu của bài viết, Bác đã đưa ra nhận định chung về tinh thần yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, nồng nàn, chân thành và luôn sục sôi. Việc sử dụng động từ mạnh “lướt qua, nhấn chìm” kết hợp với so sánh “tinh thần yêu nước” với “một làn sóng” cho thấy sức mạnh và khí thế mạnh mẽ của lòng yêu nước.

Tiếp đến, Bác tập trung chứng minh về truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Mỗi nhân vật lịch sử đều gắn với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều đó càng làm tăng sự thuyết phục cho bài viết.

Nhưng không chỉ dừng lại ở quá khứ, Bác tiếp tục nêu ra những dẫn chứng ở hiện tại. Câu chuyển tiếp “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” đầy khéo léo, đã cho thấy sự chuyển tiếp của tinh thần yêu nước giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Và lòng yêu nước của nhân dân ta ngày hôm nay được thể hiện qua từng thế hệ. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc. Cả những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội. Những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải. Nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ… Tinh thần yêu nước dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính, giai cấp, nghề nghiệp. Chỉ cần là người dân Việt Nam thì đều mang trong mình một tấm lòng yêu nước. Sau khi đưa ra dẫn chứng, Bác đã đánh giá lại: “Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.

Ở đoạn cuối cùng, Bác đã đặt ra nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam. Qua hình ảnh so sánh: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Bác đã khiến tinh thần yêu nước vốn trừu tượng, nay trở nên hữu hình. Và từ đó Người yêu cầu mỗi người dân Việt Nam phải “làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Hiểu đơn giản, nhiệm vụ của mỗi người là phải giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước đó bằng hành động cụ thể.

Thế hệ trẻ hôm nay đã phát huy tinh thần yêu nước đó bằng hành động cụ thể. Nhiều thanh niên tài năng với những phát minh khoa học được thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương - những vùng miền núi xa xôi… Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận quên đi nguồn cội của mình. Họ rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước (để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám…). Đó là những hành vi đáng lên án, cần phải tránh xa.

Như vậy, bài viết “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” đã cho người đọc thấy được tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đó là một truyền thống tốt đẹp đã được chứng minh trong quá khứ cũng như ở hiện tại.

Đề bài 2: Suy nghĩ của em về tinh thần yêu nước của con người Việt Nam

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước đến hôm nay đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Qua bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, chúng ta càng có thêm nhiều cảm nhận sâu sắc về tinh thần đẹp đẽ cao quý này.

'Tinh thần yêu nước của nhân dân ta' là đoạn trích trích trong văn kiện 'Báo cáo chính trị' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam tháng 2 năm 1951. Ra đời trong thời kỳ kháng chiến, văn bản đã khẳng định yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta vô cùng mạnh mẽ, được thể hiện rõ ràng, sâu sắc nhất trong các cuộc chiến đấu chống xâm lăng. Đồng thời trở thành sức mạnh chiến thắng các thế lực thù địch.

Đó là những nhận định vô cùng đúng đắn. Yêu nước là yêu thương, trân trọng đất nước. Có rất nhiều biểu hiện của tinh thần yêu nước, bao gồm niềm tự hào, tự tôn dân tộc, sự tôn trọng lịch sử, ý thức hành động, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta vô cùng mãnh liệt và mạnh mẽ. Điều này được chứng minh qua thực tế lịch sử. Đặc biệt là trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến, chịu xâm lăng của bao thế lực, nhưng nhờ có tinh thần yêu nước, chúng ta đã chiến thắng. Từ thời phong kiến xưa kia, nhân dân ta đã đồng lòng đồng sức đánh giặc. Giống như chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong văn bản, tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã 'kết thành làn sóng mạnh mẽ', 'nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'. Lịch sử ta đã ghi lại rất nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Đó những chiến thắng vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta có thể đánh thắng quân Nam Hán, 3 lần thắng giặc Nguyên - Mông,... đánh thắng giặc Pháp xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, đánh tan quân Mỹ thống nhất đất nước. Không chỉ nhờ vào chiến thuật quân sự khéo léo mà phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Bởi vì yêu nước, họ quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng cái cây ngọn cỏ trên bờ cõi quê hương. Họ cam chịu nhẫn nhịn, chờ thời cơ vùng lên. Họ không ngại hi sinh, đổ xương đổ máu và cả tính mạng. Tất cả đều vì yêu nước. Nếu không yêu nước, những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, hàng nghìn thanh niên sẽ không tự nguyện rời xa gia đình lên đường đánh giặc. Hàng nghìn thiếu nữ sẽ không tự cắt đi mái tóc dài, từ bỏ thanh xuân tươi đẹp để trở thành những nữ thanh niên xung phong. Họ 'quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh', họ ra đi khi tuổi xuân còn đang dang dở. Tất cả bởi vì tinh thần yêu nước rực cháy trong tim.

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trải dài lịch sử xưa kia, đến thời đại ngày nay vẫn vô cùng mạnh mẽ. Thế hệ trẻ không ngừng vượt khó, cố gắng học tập để trở thành người có ích cho đất nước, đưa đất nước 'sánh vai với các cường quốc năm châu'. Nhân dân cả nước đồng lòng, cùng dựng xây Tổ quốc ngày càng lớn mạnh. Người nông dân hăng say lao động sản xuất, người giáo viên miệt mài bên trang giáo án bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước. Người doanh nhân nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế ngày càng lớn mạnh... Mỗi người mỗi thế mạnh, mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ khác nhau, hợp sức xây dựng đất nước. Thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng phát, tinh thần yêu nước của nhân dân ta càng thể hiện rõ ràng hơn. Người người nhà nhà nghe theo chỉ đạo của Đảng, ở yên tại chỗ để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Khi có tin 20 hành khách người Hàn Quốc chê bai điều kiện cách ly và lan truyền thông tin sai lệch về Việt Nam, cả dư luận đã trỗi dậy. Họ cùng nhau bảo vệ danh dự dân tộc bằng những hành động thiết thực. Tạo thành làn sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội, giúp bạn bè thế giới nhìn nhận sự thật. Đó đều là những biểu hiện của tinh thần yêu nước.

Tinh thần yêu nước được Bác Hồ ví như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy, có khi lại cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Chúng ta cần làm sao để thể hiện, trưng bày nó ra ngoài. Không những cố gắng dựng xây đất nước ngày càng lớn mạnh mà còn cần có ý thức tự tôn dân tộc. Bên cạnh những trái tim yêu nước mãnh liệt, vẫn có một bộ phận tiêu cực, chống đối Nhà nước, có nhiều hành vi nguy hại cho xã hội. Chúng ta cần phối hợp theo sự chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước để loại bỏ. Chống các thế lực thù địch, những bộ phận tiêu cực đồng thời cũng phải giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Văn bản 'Tinh thần yêu nước của nhân dân ta' đã nêu ra rất nhiều bài học ý nghĩa. Cha ông ta đã vất vả bảo vệ và dựng xây đất nước bằng tinh thần yêu nước tha thiết. Thế hệ chúng ta cần biết trân trọng và phát huy tinh thần đó, vì đất nước hạnh phúc và vững bền.

1 213 lượt xem