Tác giả tác phẩm Viên tướng trẻ và con ngựa trắng (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Viên tướng trẻ và con ngựa trắng Ngữ văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 347 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Viên tướng trẻ và con ngựa trắng - Ngữ văn 8

I. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Điểm sách, Book review

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng ở Việt Nam. - Ông là cha đẻ của những vở kịch nổi tiếng như: Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô…

- Nguyễn Huy Tưởng được sinh ra trong một nhà Nho ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú huyện Đông Anh, Hà Nội.

- Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng.

- Nguyễn Huy Tưởng là người sáng lập và giám đốc đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng.

- Phong cách sáng tác: Trong những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng luôn chất chứa đầy chất thơ của cuộc sống cùng với đó là những bài ca về tình yêu thương con người, đồng loại. Nguồn cảm hứng lớn nhất trong các tác phẩm của ông thiên về khai thác lịch sử. Ông viết văn để thể hiện tinh thần yêu nước.

II. Đọc tác phẩm Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

Bố cục Viên tướng trẻ và con ngựa trắng (chuẩn nhất 2024) – Ngữ văn 8 Chân  trời sáng tạo

Lược dẫnTừ bến Bình Than trở về với nỗi buồn và sự thất vọng vì bị xem là một đứa trẻ không được bàn việc nước, không được tham gia đánh đuổi quân Nguyên, Hoài Văn quyết tâm dựng cờ chiêu mộ binh lính, cùng nhau rèn luyện võ nghệ đánh giặc để thể hiện lòng yêu nước à báo đền ơn vua. Đạo quân của Hoài Văn gồm hơn sáu trăm chàng trai trẻ rất thiện chiến, tự tìm giặc mà đánh.

VIII

Hoài Văn Hầu mặc áo bào đỏ, vai mang cung tên, lưng đeo thanh gươm gia truyền, mình ngồi trên một con ngựa trắng phau. Chàng giữ vẻ uy nghiêm của một vị chỉ huy. Theo sau Hoài Văn là người tướng già, mặt sạm đen vì sương gió, chòm râu dài trắng như cước. Tiếp sau là sáu trăm gã hào kiệt, nón nhọn giáo dài. Đoàn quân hùng hổ ra đi trên con đường cái nhỏ, hai bên là đồng không mông quạnh. Tiếng chiêng tiếng trống rập rình.

Đoàn quân đã đi xa. Bà con ra tiễn vẫn còn trông thấy lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng mở đường đi trước. Lá cờ căng lên vì ngược gió.

IX

Lá cờ thêu sáu chữ vàng mỗi lúc một căng lên vì ngược gió.

Sáu trăm gã hào kiệt đi tìm quan quân.

Nhưng quan quân ở đâu? Họ không biết nữa.

Hoài Văn nói:

– Bây giờ dù có tìm được quan quân, quan quân lại đuổi về thôi. Chẳng bằng ta đi tìm giặc, đánh vài trận cho người lớn biết tay anh em ta đã.

Sáu trăm gã thưa:

– Vương tử nói phải. Ta đi tìm giặc mà đánh.

Và họ tiến theo hướng bắc. Và lá cờ đỏ căng lên vì ngược gió. Những cánh đồng Võ Ninh đã hết. Họ tiến vào vùng đồi đất. Chẳng mấy chốc, đồi đất cũng lùi xa. Họ lọt vào giữa rừng núi. Rừng mỗi lúc một rậm, núi mỗi lúc một cao, suối mỗi lúc một nhiều, dân mỗi lúc một thưa. Họ cảm thấy càng đi lên càng gần mặt trận. Lòng họ vui như Tết. Nhưng đi đã mấy ngày đêm liền, họ vẫn chẳng thấy tăm hơi giặc. Mắt chỉ thấy núi rừng âm u. Tai chỉ nghe tiếng hoẵng kêu, vượn hú.

Một buổi chiều, sau một ngày lội suối trèo đèo vất vả, sáu trăm gã hào kiệt đổ vào một cánh đồng cỏ rộng, núi vây bốn phía. Lưng chừng núi, lác đác mấy cái xóm thổ dân.

[...]

XI

Các tráng sĩ Mán và sáu trăm gã hào kiệt chia nhau đi bố trí trên các ngọn núi chung quanh cánh đồng Ma Lục. Trên động chỉ để một số tráng sĩ giữ việc giật bẫy đá và điều khiển thần tướng. Bên thần tướng, dựng một lá cờ đại đề sáu chữ: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN.

Lúc ấy đã quá trưa sang chiều. Mây mù phủ trên các chòm cây mỏm núi. Nấp trong rừng, Hoài Văn nhìn quân giặc đang lọt thỏm vào thế trận của mình. Bạt ngàn san dã những người và ngựa. Áo xanh, áo đỏ, áo tím, áo đen lốc nhốc. Chúng đều đi hia da thú dữ, đội mũ lông vằn vèo như lông cáo, lông cầy. Những ngọn giáo rất dài nhấp nhô theo vó ngựa. Những bao tên lắc lư trên vai, tua tủa những mũi tên bịt sắt. Chúng lồng lộn tiến, đầu ngựa sau húc vào mông ngựa trước. Hoài Văn nín thở nhìn quân giặc, người chàng run bắn lên. Chàng nghiến chặt răng cố lấy lại bình tĩnh.

Thành núi âm vang tiếng ngựa hí ầm ầm. Quân giặc đã lọt vào giữa cánh đồng. Viên tướng giặc xông xáo đi trước. Tới gần dãy núi Ma Lục, nó bỗng dừng lại. Các chiến sĩ của Hoài Văn và Thế Lộc đều nắm chặt đốc gươm, cán giáo. Những đội bắn giỏi thì kéo thử dây cung cho dẻo gân tay, ngắm sẵn đường tên cho trúng đích. Viên tướng giặc nhìn lên lưng chừng núi Ma Lục, nơi vị thần tướng đứng sừng sững bên lá cờ đại. Quân giặc ngồi im trên mình ngựa. Ngựa đi chậm chậm lại, chúng nhìn lên rồi ngơ ngác nhìn nhau. Viên tướng giặc giơ roi chỉ trỏ và quay lại như truyền một lệnh gì cho quân sĩ. Giặc lại tiến từ từ. Chúng nó biết thần tướng là giả hay sao? Hoài Văn tự hỏi mình và tim đập đến vỡ ngực. Nhưng quân giặc tiến một cách rụt rè. Viên tướng giương cung hướng lên thần tướng trên núi, quân nó cũng răm rắp lắp tên. Vừa lúc ấy, trong đám giặc, có những tiếng kêu kinh hãi. Nhiều ngón tay giặc chỉ lên thân cây đa cao đã bị một mũi tên thần xuyên thủng. Chúng hốt hoảng chỉ những cây cổ thụ khác cũng bị bắn xuyên. Nhiều đứa lắc đầu lè lưỡi. Trên núi, vị thần tướng bước đi mấy bước, mũi tên thần lắp trên cái nỏ to lớn khác thường đã chĩa thẳng xuống đám quân giặc. Lá cờ đại phồng lên như ra lệnh, nổi rõ sáu chữ kiêu kì. Tiếng trống trên núi vang lên, rung cả bầu trời. Cả cánh đồng ầm ầm như vỡ chợ. Viên tướng quay ngựa chạy ra, và quân giặc cũng giạt lại đằng sau. Âm, ầm, ầm, ầm, cả ngọn núi cao như ập đổ xuống đầu giặc. Những tảng đá lăn trên núi xuống đè bẹp gí những hàng đầu người ngựa. Quân giặc tranh nhau chạy. Ngựa xô vào nhau ngã lổng chổng. Ngựa giẫm lên những tên giặc nằm sóng soài. Ngựa kéo lê những thằng lúng túng chưa gỡ được chân ra khỏi vòng kiềng.

Hoài Văn vỗ đùi kêu đôm đốp:

– Cha chả là vui. Quân ta đánh xuống thôi!

Tiếng tù và rúc một hồi dõng dạc. Toán giặc chạy ra đầu tiên ngã chúi dưới một trận mưa tên nỏ dữ dội. Những tên sống sót chạy lộn vào, va ập vào đám quân đang hộc tốc chạy trở ra, người văng từ trên ngựa xuống, ngã tứ tung dưới đất. Tiếng kêu, tiếng gọi thất thanh. Tiếng khóc như ri. Quân giặc tối tăm mặt mũi, chỉ nghe thấy tiếng núi lở ầm ầm, tiếng hò reo của thiên binh vạn mã. Các chiến sĩ áo chàm leo trèo nhanh như vượn, đã tới trước mặt quân giặc từ lúc nào, vung những con dao to bản chém giặc như chặt chuối. Giặc không phân biệt trời đất, ngày đêm, lúng túng chẳng biết chạy đi đâu.

Viên tướng giặc dẫn một cánh quân liều chết đánh và chạy thoát khỏi cánh đồng Ma Lục khủng khiếp. Chúng đang cắm đầu chạy trên một con đường hẻm, bỗng nghe tiếng chiêng trống vang lừng. Trên dốc cao, một đạo quân đã chặn ngang đường. Một tiếng thét lanh lảnh:

– Bớ quân giặc, đây là đường cùng của chúng bay. Chúng bay còn chạy đi đâu?

Viên tướng giặc nhìn lên trên dốc, hắn giật mình vì lại trông thấy một lá cờ đề sáu chữ, giống như sáu chữ trên núi cao. Tưởng như thần tướng đã lại xuống đây rồi. Thần tướng bây giờ là một người trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, ngồi trên lưng một con ngựa bạch, tay cắp ngang một ngọn giáo dài.

Hoài Văn chỉ vào mặt tên tướng giặc:

– Bại tướng, đến nước này, chúng bay còn muốn chống lại uy trời đó sao? Hãy bỏ giáo quỳ hàng, thì còn được toàn tính mạng.

Đằng sau người tướng trẻ, bụi bốc mù mịt, như còn hàng nghìn hàng vạn binh mã. Tên tướng giặc hốt hoảng từ trên yên ngựa nhảy xuống quỳ trước con ngựa bạch của Hoài Văn Hầu. Lá cờ thêu sáu chữ đã nhoè trong bóng tối, nhưng vẫn reo phần phật. Quốc Toản bỗng thấy có ai giật áo mình. Cúi xuống thì ra Thế Lộc. Chàng xuống ngựa, nắm tay người bạn núi rừng và nói:

– Chỉ có vài tên chạy thoát, nhưng thế mới tốt. Để cho chúng nó về mà báo cho nhau tin thua trận.

Thế Lộc nói:

- Hôm nay vui lắm, tao phải kết nghĩa anh em với mày. Được không?

- Ai hơn tuổi là anh. Thế Lộc là anh ta vậy.

Trong bóng tối, Quốc Toản thoáng thấy Thế Lộc mỉm cười.

[...]

XII-XIII

Lược dẫn: Chiêu Thành Vương, chủ ruột của Hoài Văn, được lệnh đi đuổi Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, kẻ đã chủ trương cho giặc mượn đường, nay bí mật đem cả gia đình đầu hàng quân Nguyên, lộ rõ mưu đồ bán nước. Trên đường đuổi theo Trần Ích Tắc, Chiêu Thành Vương bị giặc mai phục ở một vùng rừng núi hiểm trở, tưởng đã cùng đường, phải quyết tử với giặc. Đột nhiên có quân của Thế Lộc và Hoài Văn tiếp cứu.

Các tướng vừa dìu Chiêu Thành Vương lên một quả đồi thì quân giặc ập tới, bủa vây kín chân đồi. Vòng vây siết chặt lại, trùng trùng điệp điệp. Gươm giáo dày như nêm cối. Nhiều ngọn giáo bêu đầu những quân sĩ của Chiêu Thành Vương, máu ròng ròng trên cán giáo. Chiêu Thành Vương cùng đám tàn quân vừa đánh vừa lùi mãi, lên tới ngọn đồi. Vương cầm chắc thanh gươm, chém giặc lia lịa. Sức vương đã kiệt, thân thể bị trúng thương đau nhức, chiến bào thấm đầy máu và mồ hôi. Lưỡi gươm chém giặc suốt từ hôm qua đã cùn mẻ. Cánh tay vương rã rời. Mấy người tướng tâm phúc đã ngã dưới chân vương.

Phía sau lưng quả đồi cao bên kia đường, bỗng nổi lên những tiếng reo hò. Vương vừa múa gươm gạt những ngọn giáo giặc tua tủa đâm lên, vừa ngước mắt nhìn sang bên đồi ấy. Vương thấy lố nhố người và ngựa. Vương nói với viên tướng duy nhất còn sót lại:

– Giặc lại đến thêm, mệnh ta cùng rồi.

Nhưng người tướng reo to:

– Bẩm đại vương, dễ không phải giặc...

Người tướng chưa nói hết câu, thì toán quân trên ngọn đồi trước mặt đã lao xuống đường ào ào như thác đổ và đánh thẳng vào sau lưng đám giặc vây ngọn đồi của Chiêu Thành Vương, xẻ quân giặc ra làm đôi, như đánh rắn khúc giữa. Giặc rú lên những tiếng kêu man rợ. Chúng vỡ từng mảng như những bức tường đổ xuống. Vòng vây đang khép chặt quả đồi, phút chốc tan đi như mây khói. Quân sĩ của Chiêu Thành Vương reo hò:

– Quân cứu viện đến rồi.

Và quên cả mệt nhọc, họ từ trên đồi đánh xuống. Người tướng của Chiêu Thành Vương thưa:

- Giặc đã rút rồi!

– Ai đến cứu ta vậy?

Vương định thần nhìn dưới chân đồi, thấy quân giặc chạy nháo nhác như gà, gươm giáo, cung tên quăng bừa bãi. Toán quân đến cứu viện đã làm chúa trên bãi chiến trường. Sức khoẻ của Chiêu Thành Vương hồi lại. Vương vung gươm đánh xuống, vừa đánh vừa hỏi người tướng:

– Có phải là giấc chiêm bao không?

Vương vừa nói xong, thì bỗng thấy phấp phới một lá cờ đề sáu chữ vàng: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN. Lá cờ phất cao hùng dũng. Chiêu Thành Vương nhìn lá cờ kì lạ, dụi mắt rồi lại nhìn xem có phải lầm không. Vương tự hỏi:

– Người tướng có lá cờ sáu chữ là đây chăng?

Quả nhiên, dưới lá cờ, có một người tướng trẻ, mặc áo bào đỏ, cưỡi ngựa trắng. Người tướng trẻ cất tiếng lanh lãnh chỉ huy quân sĩ giết giặc. Vương giật mình, nghe tiếng nói sao quen quen. Vương lại nhìn người tướng trẻ đang bay đi bay lại, trước mặt tung bay lá cờ sáu chữ. Vương thét lên một tiếng kêu kinh ngạc:

– Sao giống cháu ta như đúc?

Người tướng tâm phúc của Vương cũng nói:

– Ai như Hoài Văn Hầu...

− Chả có lẽ nào!

Chiêu Thành Vương nheo mắt nhìn người tướng trẻ và reo lên:

– Đúng cháu ta rồi!

Chiêu Thành Vương chạy đuổi theo lá cờ thêu sáu chữ. Đang chạy thì có một bàn

tay giữ lại:

– Đại vương nó đây này. Đây này!

Đấy là Nguyễn Lĩnh, người tráng sĩ Mán mà Vương đã gặp trưa hôm qua. Cùng một lúc, có tiếng chào cung kính:

– Kính lạy đại vương! Đại vương đến lúc nào, chúng con không được biết....

Vương nhìn ra thì là người tướng già. Vương mừng quýnh:

- Ông cũng ở đây ư? Đích thị cháu ta rồi.

Lá cờ sáu chữ bay lại. Con ngựa trắng của người tướng trẻ phi trên những xác giặc ngổn ngang. Chỉ trong nháy mắt, người tướng trẻ đã tới chân đồi, dừng ngựa trước mặt Chiêu Thành Vương. Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên má sây sát của người chú ruột. Hoài Văn kêu lên, tiếng kêu vui sướng:

– Lạy chú ạ! Chú lên đây từ bao giờ?

Chàng nhảy phắt xuống ngựa, quỳ trước Chiêu Thành Vương:

– Cháu không biết chú lên, chậm tới vấn an, xin chú tha tội cho cháu.

Đúng là cháu ta rồi. Vẫn là đứa cháu mặt còn bụ sữa mà sao bây giờ đường đường khí thế hiên ngang. Vẫn là giọng nói của đứa con trai mới vỡ tiếng mà sao rắn rỏi không ngờ. Vương mỉm cười mà nước mắt cứ trào ra. Vương nâng cháu dậy và nói:

– Hậu sinh khả uý. Cháu ta trẻ tuổi mà anh hùng.

Hoài Văn chỉ Thế Lộc cũng vừa chạy tới:

– Đây là người anh kết nghĩa của cháu. Cháu được có ngày nay là nhờ người anh hùng sơn cước này.

Vương hết nhìn Hoài Văn, lại nhìn những người Mán, rồi lại nhìn những người hào kiệt Võ Ninh tới chào. Dưới chân vương, xác giặc nằm chất đống, máu chảy như suối từ trên đồi xuống đường. Vương ngước nhìn lên lá cờ sáu chữ, lẩm nhẩm luôn miệng.

– Phá cường địch báo hoàng ân...

Vương kéo lá cờ xuống để nhìn cho rõ. Vương lẳng lặng gật đầu. Một gã hào kiệt dắt một con ngựa cướp được của giặc, tới trước mặt Chiêu Thành Vương.

Hoài Văn mời chú lên ngựa trở về Ma Lục. Vương nói:

– Chú không ngờ! Thật chú không ngờ!

III. Tìm hiểu tác phẩm Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

1. Thể loại 

- Truyện lịch sử

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- trích từ các chương VIII, IX, X, XI, XIII

Viên tướng trẻ và con ngựa trắng - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Viên tướng trẻ và con ngựa trắng có phương thức biểu đạt là tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.

4. Ý nghĩa nhan đề Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

Câu chuyện về anh hùng của đất nước Hoài Văn Hầu chính trực và căm ghét những người phản quốc đầu hàng theo giặc, tài giỏi, thông minh.

5. Bố cục bài Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Giới thiệu về Hoài Văn Hầu và lá cờ thêu sáu chữ vàng.

- Phần 2: Trận đánh của liên quân Hoài Văn – Thế Lộc.

- Phần 3: Chiến thắng của liên quân Hoài Văn – Thế Lộc.

6. Tóm tắt Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

Viên tướng trẻ và con ngựa trắng của Nguyễn Huy Tưởng đã đem lại cho độc giả những tình tiết hấp dẫn, gay cấn. Câu chuyện về Trần Quốc Toản, một đứa trẻ còn rất nhỏ nhưng đã có ý chí và lòng can đảm để đánh đuổi quân xâm lược, dành chủ quyền cho đất nước, đã truyền tải thông điệp về sự kiên trì, quyết tâm, và đoàn kết. Bên cạnh đó, nó cũng nhấn mạnh đến giá trị của sự đoàn kết, lòng tin tưởng và sự ủng hộ giữa các thành viên trong đội quân của Trần Quốc Toản. Các nhân vật trong truyện cũng gây ấn tượng mạnh với độc giả, từ Trần Quốc Toản - một nhân vật tài năng, táo bạo và quyết tâm, cho đến các tướng lĩnh cùng đội quân trẻ tuổi, tất cả đều góp phần làm nên một chiến công lịch sử. Tóm lại, Viên tướng trẻ và con ngựa trắng không chỉ là một câu chuyện kinh điển về anh hùng, mà còn là thông điệp về tinh thần và ý chí cần thiết để đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

7. Giá trị nội dung

- Truyện kể về anh hùng Trần Quốc Toản, còn nhỏ nhưng đã có ý chí đánh đuổi quân xâm lược, dành chủ quyền về cho đất nước. Nhưng vì còn quá nhỏ lại thêm cha mất sớm nên bị cho ra rìa và không được tham gia đánh đuổi quân Nguyên Mông cùng vua quan nhà Trần. Viên tướng trẻ và con ngựa trắng kể về những hành động tiếp theo của Trần Quốc Toản hay còn gọi là Hoài Văn sau khi không được cùng tham gia đánh giặc cho tới khi giải cứu chú ruột của mình là Chiêu Thành Vương.

8. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng đặc sắc nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa.

- Nguồn cảm hứng lãng mạn được lấy từ những sự kiện lịch sử vẽ lên vẻ đẹp nơi chiến trường khốc liệt.

- Âm hưởng sử thi hùng tráng quyện hòa trong chất men say của lãng mạn, trữ tình

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

1. Tóm tắt cốt truyện, các tuyến sự kiện

- Gồm 2 tuyến:

+ (1) Trở về từ thuyền sau khi gặp vua và các tướng lĩnh nhưng không có kết quả, Hoài Văn chiêu mộ lính, lập một đội quân riêng của mình. Họ không đi đánh giặc theo lệnh vua mà tự mình đi tìm giặc để đánh, với khẩu hiệu “Phá cường địch báo hoàng ân”.

+ (2) Đội quân vượt bao khó khăn đi tìm và phát hiện chúng dãy núi Ma Lục. Họ phục kích và dành được chiến thắng lớn. Hoài Văn còn hóa giải hiểu nhầm và kết tình anh em với Thế Lộc. Tiếp đó, Hoài Văn lại cứu được chú mình là Chiêu Thành Vương đánh trận bị mai phuc. Chiêu Thành Vương tự hào và mãn nguyện vô cùng vì có người cháu nhỏ tuổi, tài cao.

Tuyến 1

Tuyến 2

Kể về đoàn quân của Hoài Văn và trận đánh của liên quân Thế Lộc và Hoài Văn

Kể về câu chuyện của Chiêu Vương Thành đi đánh đuổi Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc kẻ đầu hàng quân Nguyên nhưng bị phục kích, bất ngờ đội quân của Hoài Văn đã tới ứng cứu và giết hết quân giặc giải vòng vây cứu chú.

2. Nội dung

- Nội dung bao quát của văn bản nói về vị tướng trẻ Hoài Văn Hầu một vị anh hùng anh dũng hiên ngang chiến đấu với quân giặc bảo vệ đất nước trước quân giặc, một người anh hùng chính trực căm ghét những người phản quốc. Khi thấu Chiêu Vương Thành đánh đuổi quân phản quốc gặp nạn thì ông không suy nghĩ nhiều về lợi ích hay mệnh lệnh được giao sẵn sàng ứng cứu. Đây là những trận chiến vì đất nước vì nhân dân.

- Đây là thể loại truyện lịch sử vì có dấu mốc thời gian và các sự kiện trong quá khứ về các trận đánh.

3. Nhân vật

- Các nhân vật: Hoài Văn Hầu, Chế Lộc, Chiêu Thành Vương, đoàn quân...

- Nhân vật chính: Hoài Văn Hầu

- Tính cách nổi bật:

Tính cách nhân vật Hoài Văn Hầu

Can đảm

dũng cảm

hiên ngang

quyết đoán

yêu nước

sẵn sàng chiến đấu

=> Sự xuất hiện của các nhân vật có tác dụng thể hiện tính tình và lòng yêu nước, nhân cách của Hoài Văn Hầu.Ta có thể thấy được nhiều mặt tính cách của nhân vật xem xét nó một cách toàn vẹn.

4. Chủ đề

- Tác dụng xây dựng hình tượng nhân vật điển hình đó ca ngợi người tướng trẻ cùng đoàn quân anh dũng tràn đầy nhựa sống cùng với con ngựa, lá cờ luôn kề bên mỗi lần phất cao ngọn cờ, tiếng ngựa hí là một lần đoàn quân trẻ dành được thắng lợi.

5. Nhận xét nghệ thuật viết truyện lịch sử

- Ngôi kể sử dụng ngôi kể thứ 3 để kể câu chuyện chân thật, mang đến nhiều góc nhìn toàn diện về nhân vật.

- Cách quan sát và miêu tả: tinh tế, kĩ lưỡng tái hiện nhân vật toàn cảnh trận đấu và nhân vật diễn ra trong trận chiến.

- Tái hiện bối cảnh lịch chân thật cùng ngôn từ sắc lạnh, quả quyết, ngắn ngọn, súc tích.

V. Các đề văn mẫu

Nội dung chính Viên tướng trẻ và con ngựa trắng (chuẩn nhất 2024) – Ngữ văn  8 Chân trời sáng tạo

Đề bài : Phân tích bài Viên tướng trẻ và con ngựa trắng

Tuy được lấy bối cảnh từ chính cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai nhưng văn bản lại mang rất ít yếu tố lịch sử mà chủ yếu là từ trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo của Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn đã vẽ nên một bức tranh thật bao quát về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai được đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển lực. Dưới góc nhìn của người viết dã sử, tác giả đã để Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than và quỳ xin chủ chiến, nhưng sau đó chỉ được vu ban cho trái cam và ban lệnh đi về bởi tuy nhận thấy Trần Quốc Toản có tấm lòng yêu nước tha thiết, nhưng tuổi còn quá nhỏ để có thể tham gia vào chuyện chính sự. Vừa tủi vừa buồn vậy nên chàng đã bóp nát trái cam trong tay từ lúc nào không biết.

Trở về từ chuyến đi gặp nhà vua, Hoài Văn đã tự mình rèn luyện, đồng thời kêu gọi và tập hợp những người tài để lập nên một đội quân của mình. Và cuối cùng chàng đã chiêu mộ được hơn sáu trăm người trẻ tuổi cùng ý chí thiện chiến lên đường đánh giặc giúp dân giúp nước. Họ không đi đánh giặc theo lệnh vua ban mà tự mình đi tìm giặc, thấy ở đâu là đánh ở đó, ý chí quyết tâm ấy đã được thêt hiện rất rõ ràng qua lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân”. Họ vượt sông, trèo đèo lội suối, họ băng qua những cách rừng bạt ngàn và rồi cuối cùng cũng phát hiện thấy động tĩnh giặc ở gần dãy núi Ma Lục. Ở đó họ bàn nhau chiến thuật phục kích và xông lên khi có cơ hội. Cuối cũng Hoài Văn cũng những binh sĩ của mình đã anh dũng bắt sống được tướng giặc. Tuy đây là trận đánh đầu tiên của Hoài Văn và đội quân, nhưng họ đã dành được chiến thắng oanh liệt nhờ vào sự tài trí của người chỉ huy là Hoài Văn cũng như lòng đoàn kết, dũng mãnh của toàn đội quân. Ngoài lập được chiến công hiển hách, Hoài Văn đã hóa giải được hiểu nhầm với người anh em kết nghĩa Thế Lộc. Tiếp đó, Hoài Văn lại thành công cứu thoát được chú mình là Chiêu Thành Vương bị mai phục và gần như sẽ thua trận khi đang trên đường đuổi bắt tên bán nước Trần Ích Tắc. Chiêu Thành cùng đoàn quân anh dũng phản công lại, cầm cự đến những phút cuối cùng, khi nghĩ rằng mình sẽ bỏ mạng tợi nơi đây thì Hoài Văn đã kịp thời xuất hiện, phá bỏ vòng vây và cứu được người chú của mình. Thấy được khí thế hùng dũng của cháu trai, Chiêu Thành Vương rất tự hào và mãn nguyện vô cùng. 

Nguyễn Huy Tưởng đã làm nổi bật nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản qua hình ảnh lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường địch báo hoàng ân” trong hai địa bàn chiến đấu. Đó là một cuộc chiến khốc liệt, gian nan diễn ra ở miền núi, với sự đồng hành sát cánh cùng người anh kết nghĩa Thế Lộc ở trại Ma Lục và cuộc chiến đấu diễn ra trên sông cùng đại quân nhà Trần do chỉ huy Trần Nhật Duật nắm quyền. Trên hai không gian chiến đấu mang đặc thù cảnh quan của nước Việt Nam ta, hiện lên bức tượng đài chân dung oanh liệt mà hùng vĩ của một nhân vật lịch sử nhỏ tuổi.

Tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng được Nguyễn Huy Tưởng viết ngay khi ông còn nằm trên giường bệnh, để rồi qua bao năm, tác phẩm này vẫn sáng mãi trong lòng mỗi độc giả, văn bản này không chỉ làm rung động biết bao trái tim của các bạn trẻ trong nước mà còn được các độc giả trên khắp thế giới ủng hộ và đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí hào khí dân tộc hùng dũng sục sôi trong người cậu thiếu niên Trần Quốc Toản trong thời đại ấy vẫn có sức tác động vô cùng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ ngày nay. Trong tác phẩm 'Lịch sử nước ta' của Hồ Chí Minh, Bác cũng từng có ca ngợi về người anh hùng Trần Quốc Toản: 

“Quốc Toản là trẻ có tài,

Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,

Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,

Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung

Thật là một đấng anh hùng,

Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo”.

1 347 lượt xem