Tác giả tác phẩm Hoàng lê nhất thống chí (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 8 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Hoàng lê nhất thống chí Ngữ văn lớp 8 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 129 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Hoàng Lê nhất thống chí - Ngữ văn 8

I. Tác giả Ngô gia văn phái

- Ngô gia văn phái: là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Ngô gia văn phái' gồm những ai và nổi tiếng về hoạt động gì?

- Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái.

- Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772-1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

- Là một nhóm các nhà văn Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái, gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ, trên dưới 200 năm, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 20.

II. Đọc tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

Hồi thứ hai

Lập Điện đô, bảy quan nhận di chúc

Giết Huy quạn, ba quân phò Trịnh vương

Lược dẫn: Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng (Trịnh Tông), lập con thứ (Trịnh Cán), gây nên sự lục đục trong phủ chúa. Quận Huy Hoàng Đình Bảo, một vị đại quan của Trịnh Sâm đứng về phe Đặng Thị Huệ phò Trịnh Cán. Nhân lúc Chúa Trịnh Sâm lâm bệnh nặng sắp qua đời. Quận Huy và phe cánh Đặng Thị Huệ vội vàng đưa Trịnh Cán chính thức kế vị ngôi chúa, tuy Cán còn rất nhỏ tuổi. Trịnh Tông và đám binh lính vốn căm ghét Quận Huy và Đặng Thị Huệ bàn mưu nổi loạn. Kiêu binh tấn công phủ chúa. Quận Huy đơn độc cưỡi voi ra trận. Cuộc chiến không cân sức. Kiêu binh hung hãn giết chết anh em Quận Huy và giành chiến thắng một cách dễ dàng.

[…]

Anh em Quận Huy chết rồi, quân lính vui mừng reo hò như sấm. Họ kéo nhau vào nhà Tả Xuyên phò Thế tử Tông lên phủ đường. Họ kiệu thế tử lên vai, rồi đứng xúm chung quanh, gào lên vui sướng:

- Xin ngồi cao thêm nữa để thiên hạ đều được thấy mặt rồng cho thỏa lòng vui của mọi người!

Trong lúc gấp vội không kỉ sập, họ vẫn phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đàu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống ye như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phừng, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem chúa, sân phủ đông như họp chợ.

Quận Châu phải đem ngọn cờ đuôi báo phất ở giữa sân, rồi khua chiêng thu quân, mãi đến hơn một trống canh mới yên.

Mấy hôm trước, ngày nào trời cũng u ám. Hôm ấy tự dưng bầu trời lại trong sáng, mọi người đều cho đó là cái điềm thái bình, thánh chúa. Kẻ qua người lại trên đường đều hí hửng nói: “Chúa ta lập rồi!”. Thế là họ truyền miệng nhau mà vui mừng, kinh kì hôm ấy vì thế phải nghỉ phiên chợ.

Quân lính đặt chiếc sập ngự ở ngoài phủ đường, các quan đều dìu thế tử lên ngôi chúa. Cuộc lễ mừng xong rồi, các quan mới đem đạo sắc của nhà vua và tờ chỉ của thánh mẫu dụ ba quân về việc phò lập chúa, tới dán ở cửa các. Những tờ ấy đều là tạm thời thảo ra, nhưng được gọi là mệnh lệnh định sẵn.

Hôm ấy, việc biến xảy ra, Thị Huệ khiếp sợ vô cùng, phải thay đổi quần áo, nấp ở hậu cung. Các gia thần của vị chúa nhỏ cũng đều chạy trốn hết cả. Riêng Quận Diễm bế chúa lánh ở một nơi khác, từ sáng đến tối không được miếng gì vào mồm, chúa gào khóc nheo nhéo. Quận Diễm phải dọa: “Không được khóc to, kẻo quân lính nghe tiếng, chúng nó kéo đến đánh chết!”. Chúa nhỏ sợ hãi, mới không khóc nữa.

Đến đêm, thánh mẫu sai người đi tìm Thị Huệ cùng chúa nhỏ về cung, cho thay quần áo và ăn uống. Chúa nhỏ vì quá sợ hãi, không ăn uống gì được, bệnh càng thêm nguy kịch.

Chúa mới (Trịnh Tông) bèn treo giải hễ người nào chữa khỏi bệnh cho chúa nhỏ thì thưởng một trăm lạng vàng và phong cho tước hầu. Nhưng rốt cuộc không có ai nhận chữa.

Hôm sau, chúa mới ra lệnh cho quan tham tụng Tứ Xuyên hầu thay cháu nhỏ làm một tờ khải xin tự lui xuống làm vương đệ. Tờ khải làm xong, chúa mới giao xuống cho các đình thần bàn bạc. Các quan xin giáng phong chúa nhỏ làm Cung quốc công. Được ít lâu sau thì Cung quốc công qua đời.

Lại nói, bọn quân lính tuy đã chết anh em Quận Huy, nhưng cơn giận vẫn chưa hả. Phò lập thế tử Tông lên ngôi chúa xong xuôi, họ lại kéo đến quỳ ở trước mặt chúa xin phá tất cả dinh cơ của Quận Huy.

Chúa ưng lời ngay. Ba quận liền reo lớn:

- Quan cứ lệnh, lính cứ truyền, mau đi phá hủy dịnh thự Quận Huy anh em ơi!

Chỉ trong chốc lát, nhà cửa của Quận Huy bị phá tan tành, một mảnh ngói cũng không còn. Rồi bọn quân lính càng thừa thế hoành hành. Phàm các quan văn võ, hễ ai thuộc bè đảng Thị Huệ và Quận Huy, cùng những người dự vào việc tố giác vụ án năm Canh Tý, những viên quan hầu mọi ngày có tính nghiệt ngã mà quân lính vẫn ghét, lúc ấy cũng đều bị phá nhà hàng loạt và bị lùng bắt đem giết chết.

Luôn trong mấy ngày, họ làm náo động cả kinh thành. Tông phải hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi.

Sau, chúa phải sai người dò xét trong kinh kì, lén đến chỗ tụ họp, rồi bắt phứa lấy một thường dân ở gần đó đem chém để ra oai. Từ đó về sau việc phá phách nhà cửa mới tạm dừng, nhưng việc lùng bắt người để giết thì vẫn chưa dứt…

Hồi thứ mười bốn

Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận

Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài

Lược dẫn: Kiêu binh ỷ vào công phò lập Trịnh Tông, ngày càng lộng hành, gây ra cảnh loạn lạc, chúa mới Trịnh Tông chẳng khác nào con rối trong tay chúng. Nguyễn Huệ bấy giờ ở trong Nam phải kéo quân ra Bắc để dẹp loạn kiêu binh, đưa Lê Chiêu Thống lên ngôi vua. Khi Nguyễn Huệ quay vào Nam, Trịnh Bồng lại nhảy ra chiếm ngôi chúa, mâu thuẫn giữa Vua Lê – Chúa Trịnh tái diễn gay gắt. Nguyễn Hữu Chinh được Nguyễn Huệ sai ra Bắc diệt Trịnh Bồng. Vua Lê dựa vào thế lực của Nguyễn Hữu Chinh đốt sạch cơ ngơi của Chúa Trịnh. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng quyền, Nguyễn Huệ lại phải sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chinh. Lê Chiêu Thống biết tin, vô cùng hoảng sợ, chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh nhân cơ hội ấy cất quân sang xâm chiếm nước ta.

Trước tình hình đó, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi vua (niên hiệu Quang Trung) tại Phú Xuân. Vua Quang Trung gặp mưu sĩ Nguyễn Thiếp để trù định về sách lược đánh giặc; tuyển thêm quân ở Nghệ An và mở tiệc khao quân, hẹn với tướng sĩ sẽ mừng chiến thắng và đón Tết Kỷ Hợi ở Thăng Long, sau đó đích thân cầm quân thần tốc tiếc ra Bắc đánh đuổi quân Thanh.

[…]

Vua Quang Trung bèn sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm năm đạo, hôm đó là ngày 30 tháng Chạp. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng:

- Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!

Sau đó nhà vua truyền lệnh: Các viên tướng ở trung quân thuộc về doanh vua sai phái là Đại tư mã Sở; Nội hầu Lân đốc suất tiền quân làm tiên phong; Hám hổ hầu đốc suất hậu quân làm đốc chiến; Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đốc suất tả quân, trong đó gồm có thuỷ quân, vượt biển vào sông Lục Đầu; rồi Tuyết vẫn kinh lí vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông; còn Lộc thì đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Thế để chặn đường về của quân Thanh; Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Long đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kị mã; Long xuyên qua huyện Chương Đức, theo đường đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu; Bảo thì thống đốc quân voi ngựa dò đường Sơn Minh ra làng Đại Áng, huyện Thanh Trì để tiếp ứng cho cánh hữu.

Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường

ra Bắc.

Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không để tên nào trốn thoát. Bởi vậy, không hề có ai chạy về báo tin, nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi? đều không biết gì cả.

Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng, năm Kỷ Dậu (1789), Vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.

Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khoẻ mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”; Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh lại tự làm hại mình.

Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. [...] Quân Thanh đại bại.

Trước đó, Vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía đông. Đến lúc ấy, quân Thanh chạy về trông thấy, càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm mực, làng Quỳnh Đô (thuộc Thanh Trì, Hà Nội), quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người.

Giữa trưa hôm ấy, Vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành (có sách chép khi Quang Trung vào Thăng Long, chiếc chiến bào màu đỏ đã bị nhuộm đen vì khói thuốc súng).

Nguyên trước đó, Đô đốc Long đốc suất hữu quân đã đem binh đến đóng ở làng Nhân Mục huyện Thanh Trì. Lúc Vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi, thì sáng hôm ấy Long đã đánh tên Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng' thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến trước vào thành.

Lại nói Tôn Sĩ Nghị và Vua Lê ở thành Thăng Long, tuyệt nhiên không nghe tin cấp báo gì cả. Cho nên trong ngày Tết mọi người chỉ chăm chú vào việc yến tiệc vui mừng, không hề lo chỉ đến việc bất trắc”. Nào hay cuộc vui chưa tàn, cơ trời đã đổi. Ngày mồng 4 bỗng thấy quân ở đồn Ngọc Hồi chạy về cáo cấp. Thật là: “Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Bọn ấy lại nói:

- Quan quân ở đồn Hà Hồi đều bị quân Tây Sơn đánh úp bắt hết cả. Ở đây cách đồn Ngọc Hồi không xa, sớm chiều thế nào cũng bị đánh tới.

Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt sợ hãi, lập tức sai lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp dẫn viên hàng tướng Tây Sơn là Phan Khải Đức đem nghĩa binh tới cứu; lại sai hai mươi lính kị mã ở dưới trướng của mình cùng đi với Nghiệp, và dặn họ rằng:

– Trong khoảng chốc lát, phải tiếp tục báo tin về ngay.

Ý của Nghị chỉ lo có một mặt đó, không ngờ lại có mặt khác ập tới. Canh tư đêm ấy, chợt nghe ở phía tây bắc thành, tiếng súng nổ đùng đùng không ngớt. Nghị vội sai người cưỡi ngựa ra xem, thì nghe báo tin đồn quân Điền Châu tan vỡ, quân Tây Sơn đã vào cửa ô, (...) khói lửa bốc lên đầy trời rồi.

Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.

Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa Thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được một chiếc thuyền đánh cá, bèn cướp lấy rồi chèo sang bờ Bắc. Trưa ngày mồng 6, Vua Lê và những người tuỳ tòng chạy đến núi Tam Tằng, nghe nói Tôn Sĩ Nghị đã đi khỏi đó. Bấy giờ quân Thanh chạy về nước, trên đường đông nghịt như chợ, đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi. Vua đưa Thái hậu cùng đi với họ đến đồn Hoà Lạc, thì gặp một người thổ hào. Hồi trước Vua Lê chạy ra ngoài, người ấy đã được biết mặt; lúc đó thấy vua, người ấy bất giác rơi lệ, nhân tiện mời vua vào trại trong núi tạm nghỉ. Bấy giờ, Vua Lê và mấy người tuỳ tòng luôn mấy ngày không ăn, ai nấy đều đã mệt lử. Người thổ hào kia liền giết gà làm cơm thết đãi. Vua sai bung một mâm lên mời Thái hậu, còn mình thì cùng ăn với bọn Quýnh, Hiến ở mâm dưới. Ăn xong, chợt nghe quân Tây Sơn đã đuổi đến nơi, vua cuống quýt bảo người thổ hào rằng:

– Muôn đội hậu tình, không có gì để báo đáp, chỉ có trời cao đất dày chứng giám tấc lòng thành của ông mà ban phúc cho thôi. Bây giờ quân giặc gần tới, trước mắt đây còn có con đường sống nào để có thể chạy gấp lên cửa ải, xin tính kế ngay cho.

Người thổ hào vội vã sai con đưa đường, theo lối tắt trong núi mà đi. Trời nhá nhem tối thì nhà vua đến cửa ải, theo kịp chỗ nghỉ của Tôn Sĩ Nghị. Một lát, các viên quan khác cũng lục tục kéo theo đến, cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt. Tôn Sĩ Nghị cũng lấy làm xấu hổ.

Phần tiếp theo: Vua Lê Chiêu Thống cùng hoàng hậu, một số cận thần theo đám tàn quân chạy sang Trung Quốc nương náu nhà Thanh, rồi một thời gian sau ông ta mất ở bên đó.

III. Tìm hiểu tác phẩm Hoàng lê nhất thống chí

1. Thể loại 

Truyện lịch sử

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Trích phần lớn hồi mười bốn, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Hoàng lê nhất thống chí - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Hoàng lê nhất thống chí có phương thức biểu đạt là tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.

4. Ý nghĩa nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí

Ý nghĩa nhan đề tác phẩm:

- Là cuốn tiểu thuyết ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê.

- Một sự mâu thuẫn: Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê,nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.

5. Bố cục bài Hoàng lê nhất thống chí

Bố cục: 3 phần

- Phần 1: (từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”): được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.

- Phần 2: (tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

- Phần 3: (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

6. Tóm tắt Hoàng Lê nhất thống chí

Tôn Sĩ Nghị hứa với Lê Chiêu Thống rằng sẽ diệt sạch đạo quân Tây Sơn. Nhưng Lê Chiêu Thống lại rất lo sợ trước đạo quân ấy, bèn cầu cứu nhà Thanh. Nghe tin đó, Nguyễn Huệ vô cùng tức giận, lập tức lên ngôi vua, lấy hiệu là Quang Trung sau đó đưa quân ra Nghệ An, mở cuộc duyệt binh lớn rồi tiến quân ra Bắc. Ngày 30 tháng Chạp, nghĩa quân hội tại Tam Điệp. Rạng sáng mùng 3 Tết chiếm được đồn Hà Hồi, tiếp tục tiến vào Ngọc Hồi. Vua Quang Trung nhìn ra nhân tài là Ngô Thì Nhậm, bèn giao cho nhiệm vụ hòa hiếu giữa hai nước cho ông. Nghĩa quân Tây Sơn đã đánh vào thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị khi ấy sợ mất mật, vua Lê cùng thái hậu sợ hãi bỏ trốn khỏi kinh thành.

7. Giá trị nội dung

- Văn bản “Hoàng Lê nhất thống chí” đã ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

8. Giá trị nghệ thuật

-Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây được ấn tượng.

- Khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ một cách rõ nét, mang đậm màu sắc sử thi.

- Kể lại các sự kiện một cách rành mạch, chân thực, khách quan, kết hợp yếu tố miêu tả với biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập.

- Miêu tả hành động, lời nói của nhân vật, từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân một cách cụ thể.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Hoàng lê nhất thống chí

1. Cốt truyện, các tuyến sự kiện

- Mối liên hệ giữa hai đoạn trích:

+ Hai hồi là hai tuyến truyện có tính độc lập nhất định nhưng liên quan mật thiết với nhau.

(1) Tuyến thứ nhất là chuỗi sự kiện diễn ra nơi phủ chúa – cung vua (trong đoạn trích tập trung vào chuỗi sự kiện kiêu binh nổi loạn giết Quận Huy, truất ngôi Trịnh Cán, đưa Trịnh Tông lên ngôi); (2) tuyến thứ hai là chuỗi sự kiện về cuộc xâm lược nước ta của nhà Thanh; Vua Quang Trung đại phá quân Thanh; sự thảm bại và cuộc trốn chạy của đội quân xâm lược nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống (trong đoạn trích tập trung vào cuộc đại phá quân Thanh của Vua Quang Trung).

+ Mặt khác, giữa các sự kiện trong Hồi thứ hai và Hồi thứ mười bốn có mối quan hệ nhân quả.

Chẳng hạn: Sự lục đục trong phủ chúa; xung đột quyền lợi giữa phủ chúa – cung vua và nỗi sợ hãi trước sức mạnh của Vua Quang Trung, nhà Tây Sơn (nguyên nhân) dẫn đến sự cầu viện nhà Thanh của Vua Lê Chiêu Thống (kết quả); cuộc xâm lược của đội quân nhà Thanh cùng sự bạc nhược, phản trắc của vua tôi Lê Chiêu Thống (nguyên nhân) dẫn đến việc Quang Trung lên ngôi vua, tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh (kết quả).

2. Nhân vật Vua Quang Trung, nghệ thuật kể chuyện, tình cảm của tác giả

a. Nhân vật vua Quang Trung

- Nhà cầm quân tài ba, mưu lược.

(Phân tích một số chi tiết về nét tính cách tài ba, mưu lược: thể hiện qua các kế sách đầy mưu lược).

- Nhà chỉ huy quân sự tự tin, quyết đoán.

(Phân tích một số chi tiết về nét tính cách tự tin, quyết đoán: ví dụ về kế sách hành quân, tiến đánh thần tốc, việc mở tiệc khao quân, lời hẹn quân sĩ ăn Tết ở Thăng Long…).

-Vị hoàng đế/anh hùng “trăm trận trăm thắng”.

(Phân tích một số chi tiết về nét cốt cách anh hùng “trăm trận trăm thắng”: ví dụ phân tích tương quan lực lượng, sự thảm bại của đội quân nhà Thanh, các trận thắng liên tiếp khiến uy danh lẫy lừng…).

b. Nghệ thuật kể chuyện

Tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba kết hợp với lời kể của các nhân vật để cho ta thấy được câu chuyện đa chiều và tường minh hơn. Không gian câu chuyện cũng được mở rộng ra , thông qua lời từng nhân vật ta thấy được tính cách và con người con của vua Quang Trung toàn diện hơn, đặc sắc hơn.

c. Tình cảm của tác giả

- Với Vua Quang Trung – nghĩa quân Tây Sơn:

+ Thái độ của tác giả: nể trọng, ngợi ca

+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả tính kỉ luật, dũng mãnh, cách thể hiện chân dung Hoàng đế Quang Trung như một anh hùng chiến trận, một vị vua mưu lược, bách chiến bách thắng…

- Với anh em Trịnh Tông – đám kiêu binh:

+ Thái độ của tác giả: phê phán

+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả cảnh kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi như một trò hề khôi hài, chưa từng thấy trong các nghi lễ đăng quang của hoàng đế…

- Với Tôn Sĩ Nghị và đội quân xâm lược nhà Thanh:

+ Thái độ của tác giả: phê phán, chế giễu

+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả các cảnh thua trận, đặc biệt là cảnh chạy trốn nhục nhã của chúng.

=> Nhận xét: Cách thể hiện thái độ phù hợp với truyện lịch sử.

3. Nhận thức về nhân vật, bối cảnh

a. Về vua Quang Trung:

- Là người anh hùng dân tộc đã lập nên kì tích xưa nay chưa từng có: với nghệ thuật dùng binh, tài thao lược, chỉ trong năm ngày đã đập tan đội quân xâm lược nhà Thanh, đuổi chúng về nước…

b. Về cuộc kháng chiến chống quân Thanh:

- Cho dù vua tôi Lê Chiêu Thống hèn hạ, “ôm chân” nhà Thanh xâm lược, quan dân ta thời ấy vẫn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường và truyền thống đấu tranh bất khuất dưới sự lãnh đạo của Vua Quang Trung.

4. Sự khác biệt giữa cốt truyện đa tuyến và đơn tuyến

- Lập bảng so sánh hoặc đối chiếu hai sơ đồ cốt truyện đa tuyến (đã thực hiện ở câu 1) và cốt truyện đơn tuyến của truyện đã chọn. (4) HS chỉ ra điểm khác biệt (và tương đồng nếu có) giữa hai dạng cốt truyện trong sự liên hệ với ngữ liệu VB Hoàng Lê nhất thống chí và tác phẩm có cốt truyện đơn tuyến đã chọn

V. Các đề văn mẫu

Đọc Hoàng Lê nhất thống chí | Tao Đàn

Đề bài 1: Phân tích bài Hoàng lê nhất thống chí

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán của Ngô gia văn phái. Tác phẩm là những ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê. Đoạn trích thuộc hồi thứ mười bốn đã tái hiện chân thực vẻ đẹp anh dũng, hào hùng, tài trí song toàn của người anh hùng áo vải Quang Trung. Đồng thời cho thấy sự thất bại thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống và bè lũ cướp nước.

Trong tác phẩm nổi bật lên hai chân dung chính: chân dung của vị anh hùng Nguyễn Huệ và chân dung của bè lũ cướp nước cùng vua tôi Lê Chiêu Thống. Với mỗi nhân vật tác giả có cách khắc họa riêng, hết sức tài tình vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan vừa thể hiện được cái tôi cá nhân tác giả.

Trước hết về người anh hùng Quang Trung, ông là nhà lãnh đạo quyết đoán, có trí tuệ sáng suốt. Ngay khi vừa hay tin quân Thanh tiến đến Thăng Long, ông đã nhanh chóng quyết định lên ngôi vua, để danh chính ngôn thuận đem quân tiến ra Bắc. Cách làm việc của ông hết sức nhanh chóng, quyết đoán, có tầm nhìn xa, bởi nếu ông không lên ngôi vua thì danh không chính, ngôn cũng không thuận thật khó có thể làm việc lớn.

Lên ngôi vua cũng cách thức làm yên lòng dân và ông ngay lập tức cầm quân ra Bắc. Trên đường tiến quân ra Bắc ông gặp Nguyễn Thiếp một người tài giỏi, mưu lược, ông trân trọng, lắng nghe kế sách của Nguyễn Thiếp. Ông là người rất trân trọng và ủng hộ người tài. Ra đến Nghệ An ông đã tuyển được hơn một vạn tinh binh, mở cuộc duyệt quân lớn. Trước khi cầm quân ra Bắc ông còn đọc lời phủ dụ binh lính, vạch trần âm mưu xâm lược hiểm độc của nhà Thanh, cho thấy bộ mặt xấu xa, tàn ác của kẻ thù; đồng thời cũng nêu lên ý thức kỷ luật cho binh sĩ.

Những lời ông nói như sấm vang, chớp giật, có tác động to lớn trong việc khích lệ tinh thần binh sĩ. Ông còn là người hết sức sáng suốt, có tầm nhìn ra trông rộng. Là một người tài giỏi, Quang Trung đã đoán biết được tình hình của giặc, lập kế sách tiến đánh và khẳng định chỉ trong vòng mười ngày là giành lại được kinh thành Thăng Long. Ông tiến hành một cuộc hành binh thần tốc, 25 tháng Chạp xuất quân ở Phú Xuân, 30 ông đã đến Tam Điệp ở Ninh Bình.

Và ngày đêm 30 bắt đầu tiến quân ra thành Thăng Long. Đây quả là cuộc hành quân thần tốc, có một không hai trong lịch sử nước nhà. Không chỉ vậy ông còn nhìn rõ bản chất quân địch, là nước lớn, sau khi thua nhất định sẽ quay lại báo thù. Bởi vậy, ông đã có kế sách ngoại giao ngay sau khi dành được chiến thắng. Ông quả là một bậc kỳ tài, thấu hiểu những gian nan, thử thách mà dân tộc phải đối mặt, đưa ra những phương hướng, chiến lược đứng đắn, là cơ sở cho sự đại thắng của quân dân ta.

Quang Trung còn có tài dụng binh như thần. Ông thấu hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của các tướng sĩ: trách mắng Sở và Lân rất nghiêm khắc cho họ thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhưng đồng thời cũng khen ngợi hành động của họ để bảo toàn lực lượng. Ông đánh giá cao Ngô Thì Nhậm về sự mưu trí, mưu lược hơn người. Ông quả là một tướng tài biết nhìn việc, nhìn người.

Tài cầm quân đã xuất sắc, tài đánh trận của ông cũng không hề kém cạnh. Để khích lệ lòng quân ông cho binh sĩ ăn tết trước, hẹn mùng 7 vào Thăng Long mở tiệc lớn. Không những vậy ông còn đảm bảo được yếu tố bất ngờ, bắt sống hết quân do thám và tân binh của giặc, khiến các đồn không thể báo tin cho nhau. Đảm bảo yếu tố bất ngờ, nhằm đúng tết nguyên đán tiến đánh kẻ thù, bởi lúc này chúng đang ngủ quên trên chiến thắng, say mê hưởng lạc, không phòng bị.

Ông thay đổi chiến thuật linh hoạt: trận Hà Hồi dùng nghi binh, đánh Ngọc Hồi cho quân chế tạo những tấm ván ghép bằng rơm ướt, nhờ vậy mà giảm được thương vong. Đặc biệt hơn nữa ông còn đích thân ra trận, chỉ huy một hướng tiến công. Quang Trung là hội tụ vẻ đẹp, tinh hoa và khí phách của dân tộc.

Trái ngược với vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của vua Quang Trung bọn quân tướng nhà Thanh thất bại thảm hại. Tôn Sĩ Nghĩ ban đầu tiến vào nước ta một cách dễ dàng nên luôn kiêu căng tự mãn. Không nắm rõ tình hình, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Hắn còn là kẻ tham sống, sợ chết, chưa đánh đã sợ mất mật mà bỏ chạy: “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Những kẻ khác kẻ thì đầu hàng, kẻ thắt cổ tự vẫn.

Thật là một bọn ô hợp, hèn nhát và bất tài. Ở đoạn văn này ngòi bút miêu tả được tác giả phát huy hết tác dụng, kết hợp với nhịp điệu nhanh, gấp gáp cho thấy sự hoảng hốt và thất bại thảm hại của kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy giọng điệu hả hê, sung sướng trước thắng lợi của quân ta và sự đại bại của quân giặc.

Còn về phía vua tôi Lê Chiêu Thống, khi xảy ra biến loạn, quân Thanh tan rã thì vô cùng sợ hãi, bỏ chạy, thậm chí còn cướp cả thuyền của dân để qua sông. Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc phải cạo đầu, tết tóc, trang phục như người Mãn. Thật đáng thương thay từ một bậc quân vương đứng đầu hàng vạn người, vậy mà chỉ vì quyền lợi của bản thân và dòng họ, Lê Chiêu Thống đã bán nước nên phải chịu nỗi nhục vong quốc, nắm xương tàn phải bỏ lại nơi đất khách quê người.

Mặc dù cùng miêu tả về sự thảm bại, nhưng nhịp điệu ở đoạn văn này nhịp điệu lại chậm hơn. Thể hiện sự xót thương, ngậm ngùi cho số phận của Lê Chiêu Thống. Bởi dù sao ông cũng là một cựu thần trung thành của nhà Lê, trước sự sụp đổ triều đại mình tôn thờ không khỏi không ngậm ngùi, chua xót.

Tác phẩm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật trần thuật. Ghi lại những sự kiện lịch sử qua từng mốc lịch sử, cho thấy không khí khẩn trương, gấp gáp và chiến thắng hào hùng của quân ta. Nghệ thuật miêu tả nhân vật sinh động, hấp dẫn. Từng trận đánh được miêu tả chi tiết, cho thấy khí thế hừng hực của quân ta và sự thất bại thảm hại của quân thù. Nghệ thuật đối lập giữa ta và địch: một bên đớn hèn, nhát chết một bền xông xáo, mưa chí, tài lược.

Qua hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê Nhất thống chí, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vẻ đẹp anh hùng, dũng cảm, mưu lược của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng oanh liệt vẻ vang của nhân dân ta trước kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy sự thất bại thảm hại của nhà Thanh, và sự đáng thương của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Đề bài 2: Phân tích hình tượng vua Quang Trung

Hình tượng người anh hùng đã đi sâu vào trong tiềm thức của nhân dân, đi vào văn học với một dáng vẻ quen thuộc của người anh hùng dân tộc. Từ văn học hiện đại ta bắt gặp hình tượng người chiến sĩ cách mạng, anh hùng của thế kỉ XX trong những trang văn, lời thơ của những nhà văn, nhà thơ cách mạng. Về với văn học trung đại, chúng ta lại được chiêm ngưỡng hình tượng người anh hùng làm lên lịch sử vẻ vang cho dân tộc trong đó có hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung được các tác giả Ngô Gia văn phái tái hiện lên qua những trang văn lịch sử về thời đại hào hùng của dân tộc. Hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung hiện lên thật cao đẹp trong hồi thứ mười bốn của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”. Đó là một con người có khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt và tài thao lược hơn người.

“Hoàng Lê nhất thống chí” là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô lớn nhất và đạt được những thành công xuất sắc cả về nội dung cũng như nghệ thuật. Với nội dung viết về những sự kiện lịch sử diễn ra trong khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX ( cuối Lê đầu Nguyễn), tác phẩm đã xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng Quang Trung với sự kiện tiêu biểu trong hồi thứ 14: Quang Trung đại phá quân Thanh.

Hình ảnh vua Quang Trung hiện lên đầu tiên là một vị hoàng đế có trí tuệ sáng suốt, hành động quyết đoán.

Khi 20 vạn quân Thanh tràn vào đất Bắc Hà chiếm giữ kinh thành Thăng Long thì lúc đó Nguyễn Huệ mới chỉ là Bắc Bình Vương đang ở Phú Xuân. Nhận được tin cấp báo Nguyễn Huệ đã định “thân chinh cầm quân đi ngay” song trước lời bàn của các tướng sĩ, ông đã nhận thấy rằng cần phải lên ngôi hoàng đế, “chính vị niên hiệu”, “giữ lấy lòng người”.rồi mới đàng hoàng xuất quân. Đó chính là một sự sáng suốt, sự sáng suốt của vị chỉ huy biết làm gì để đem đến những lợi chung cho sự nghiệp. Chính vì thế mà chỉ trong một ngày Nguyễn Huệ đã làm xong 2 việc lớn: lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và cũng ngày 25 tháng Chạp, Mậu Thân, đã kịp thời hạ lệnh xuất quân.Ông hiểu rất rõ việc cầm quân đánh giặc là không hề đơn giản, cũng cần có đủ uy quyền để nắm bắt lòng dân lúc bấy giờ. Việc lên ngôi trong tình thế cấp bách ấy đủ để thấy sự sáng suốt trong trái tim của con người luôn biết vì đất nước, vì nhân dân.

Hành động quyết đoán là thế, Quang Trung còn là người mưu lược sáng suốt. Hãy cùng nghe những lời Quang Trung dụ tướng sĩ trước lúc lên đường ra Bắc: “trong khoảng vũ trụ đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng …”,và để khích lệ lòng yêu nước của tướng sĩ, để nêu bật chính nghĩa của ta và sự phi nghĩa của địch, ông đã dẫn ra một hệ thống song hành liên tục: “cứ một triều đại phong kiến phương Bắc thì đi liền với một nhân vật kiệt xuất, tiêu biểu phương Nam”. Rồi để giúp tướng sĩ nhận ra chân tướng “Phù Lê diệt Trịnh” của Tôn Sĩ Nghị, nhận ra dã tâm, bản chất xâm lược của quân Thanh. Nguyễn Huệ đã khẳng định chủ quyền của dân tộc “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng” và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của quân Thanh, nêu bật dã tâm của chúng “bụng dạ ắt khác…cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải”, ông khéo léo khích lệ tướng sĩ khi ngợi ca truyền thống đánh giặc của tổ tiên để từ đó mà kêu gọi tướng sĩ “ những kẻ có lương tri, lương năng hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng nên công lớn”. Lời lẽ phân tích của đấng minh quân thật rõ ràng, lập luật thật chặt chẽ khiến ta nhớ tới “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn và nhớ tới “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, hai vị tướng kiệt xuất thuở trước. Có thể nói Quang Trung thật sáng suốt khi nhận thấy rõ bản chất của kẻ thù và cũng rất sáng suốt khi khơi gợi lòng yêu nước cho nên quân lính nhất nhất “xin vâng lệnh không dám hài lòng”.

Không chỉ mưu lược ở việc điều binh mà trong việc khiển tướng, Vua Quang Trung cũng rất sáng suốt, cẩn trọng. Trên cương vị hoàng đế việc nhìn nhận bề tôi là một điều quan trọng. Qua lời lẽ phân tích của ông đối với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, những người mà đáng lẽ ra đang có tội “quan thua chém tướng” song Quang Trung rất hiểu năng lực của họ cho nên ông đã nhận rõ các tướng lĩnh của mình đều là “hạng võ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, đến việc tuỳ cơ ứng biến là không có tài”. Vì thế ông đã xếp Ngô Thì Nhậm hỗ trợ cho họ. Hiểu rõ tướng lĩnh của mình, Quang Trung không phạt họ mà trái lại họ còn an ủi động viên họ “biết lo xa biết làm cho kẻ địch chủ quan kiêu ngạo”. Nhờ có sự sáng suốt am hiểu bề tôi tường tận, ân uy đúng mực như vậy bậc anh quân đó đã tập hợp, tổ chức được lực lượng giống như Lê Lợi xưa kia:

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc, ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phu tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”

Với tầm cỡ của một người tài, trí tuệ sáng suốt, mưu lược siêu phàm thì tầm nhìn xa trông rộng là một điều không thể thiếu. Ở vị vua này, tầm nhìn xa trông rộng của ông đã đem đến sự tự tin, thắng lợi cho nhân dân ta. Cho dù quân Thanh đang đóng gần hết đất Bắc Hà nhưng nhờ sự sáng suốt tự tin, mưu lược tiến đánh đã sẵn “mười ngày đánh đuổi người Thanh”. Nhưng đó không phải là cái đích lớn mà đích lớn Quang Trung tính đến đó là “khéo lời lẽ để dẹp yên binh đao” cho nên Nguyễn Huệ đã sáng suốt chọn Ngô Thì Nhậm vào việc giao dịch với nhà Thanh sau này. Nhưng tầm nhìn của ông còn xa hơn nữa. Ngay cả khi ngồi trên lưng voi trước trận đánh, Quang Trung đã chuẩn bị kế hoạch cho mười năm sau, quả là một nhà chính trị văn hoá, một đấng minh quân, một người anh hùng tài trí có tầm nhìn chiến lược sâu sắc biết bao. Điều này khiến chúng ta có thể khẳng định được rằng Quang Trung là con người có tài trí sáng suốt, điều cần thiết ở đấng quân minh mà không phải ai cũng có được.

Không chỉ nhanh nhẹn, tài trí trong hành động quyết đoán, việc điều binh khiển tướng mà dưới ngòi bút của tác giả “Ngô gia văn phái” nhân vật người anh hùng áo vải còn mang vẻ đẹp của vị tướng có tài thao lược hơn người. Điều này thể hiện vô cùng rõ nét trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy.

Đó là sự nhanh nhẹn của một nhà quân sự, một bậc kỳ tài trong việc dùng binh. Dưới sự sáng suốt trong việc chỉ huy của Quang Trung, đội quân của ông đã lớn mạnh không ngừng. Sáng suốt trong việc nhận định tình hình của giặc để rồi chớp lấy thời cơ, tổ chức chiến dịch thần tốc có một không hai trong lịch sử. Nghệ thuật cầm quân và tài năng quân sự, tài thao lược của Quang Trung chính là ở phương diện thần tốc bất ngờ. Ngày 25 tháng Chạp xuất quân từ Phú Xuân (Huế),ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp (cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng Chạp đã “lập tức lên đường”, tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Có sách còn nói vua Quang Trung sử dụng cả biện pháp dùng võng khiêng, cứ hai người khiêng thì một người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra Thăng Long (khoảng hơn 150km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung định kế hoạch chỉ trong vòng 7 ngày, mồng 7 tháng Giêng sẽ vào ăn Tết ở Thăng Long. Trên thực tế, đã thực hiện kế hoạch sớm hai ngày: trưa mồng 5 đã vào Thăng Long. Hành quân xa liên tục như vậy, thường quân đội sẽ mệt mỏi,rã rời, nhưng nghĩa binh Tây Sơn “cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề”, “từ quân đến tướng, hết thảy cả năm đạo quân đều vâng mệnh lệnh, một lòng một chí quyết chiến quyết thắng”. Đó là nhờ tài năng quân sự lỗi lạc ở người cầm quân: hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.

Tài thao lược của Quang Trung còn thể hiện rõ khi chọn cách đánh bất ngờ, biết giặc kiêu căng khinh suất là tổ chức đánh ngay, biết chọn tướng chỉ huy, hoạch định hướng tiến công, phối hợp giữa các cánh quân. Kết quả tài thao lược được thể hiện rõ ở đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi khiến quân Thanh không kịp trở tay. Cách đánh bất ngờ thần tốc táo bạo đến mức khi quân Tây Sơn kéo vào thành Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không hề được tin cấp báo . Vì vậy quân tướng nhà Thanh nhìn thấy quân Tây Sơn như nhìn thấy “tướng ở trên trời rơi xuống, quân ở dưới đất chui lên”. Sự thảm bại của quân Thanh là kết quả tất yếu. Như trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi có viết:

“Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”

Quang Trung cùng với quân đội của mình làm nên mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, một chiến thắng thần tốc với tài mưu lược, dụng binh khiển tướng tài ba của mình.

Hình ảnh vua Quang Trung hiện lên trong hồi thứ 14 không chỉ là người có trí tuệ sáng suốt, hành động quyết đoán, mưu lược hơn người mà đây còn là hình ảnh của một vị anh hùng lẫm liệt trong chiến trận. Quang Trung cưỡi voi chỉ huy chiến dịch thần tốc nhưng phong thái ung dung tỉnh táo khác thường. Quang Trung đã tự tin khẳng định “10 ngày đánh đuổi” quân Thanh thể hiện trí tuệm sáng suốt, biết làm chủ trong mọi tình thế. Chính phong thái ung dung tự tin của con người có tài thao lược đã tô đậm vẻ đẹp khí phách hào hùng. Dưới những trang văn hào hùng mang tính sử thi của đoạn trích, ta như nhìn thấy hình ảnh Quang Trung khoác áo bào đỏ cưỡi trên lưng voi chỉ huy 1 đội quân dàn trận chữ “Nhất” tiến vào Thăng Long:

“Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã có nhiều ông vua từng thân chinh cầm quân đánh giặc nhưng vừa nắm quyền chỉ huy, vừa quyết đoán phương lược, vừa đốc xuất chiến dịch và đi với 1 mũi tiến công xông pha nơi hòn tên mũi đạn thì chỉ có một Quang Trung. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi ban mai, trong khói toả mù trời của súng đạn, Quang Trung với khí phách lẫm liệt, hào hùng đã khắc tạo một hình tượng đẹp trong chiến trận, vượt ra khỏi tầm vóc của người anh hùng áo vải,hình tượng ấy bỗng vụt sáng, trở thành hình tượng cao quý của bậc vĩ nhân. Hình ảnh ấy đã được sử sách còn ghi lại “ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu” tấm áo bào đỏ của vua Quang Trung sạm đen khói súng. Hình tượng người anh hùng ấy đã trở thành một hình tượng đẹp đẽ về người anh hùng với khí phách hiên ngang lẫm liệt trong văn học cổ Việt Nam, trở thành một tượng đài bất hủ trong văn học cổ dân tộc. Đây là hình tượng người anh hùng thực sự mới có đủ tầm vóc khiến cho các tác giả Ngô Gia văn phái, những con người tận trung với triều Lê không thể bỏ qua chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung và hiện thực nhà Lê yếu hèn “cõng rắn cắn gà nhà” để trở thành những người ghi chép lịch sử tận tâm, tận hiếu, viết thực, viêts hay về lịch sử dân tộc.

Vẻ đẹp của Quang Trung trong khúc khải hoàn ca chiến thắng còn in dấu trong những câu thơ của Ngô Ngọc Du một nhà thơ đương thời:

“Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruổi dài xông thẳng tới
Như trên trời xuống ai dám đương …”

“Hoàng Lê nhất thống chí” hồi thứ 14 là một sự cống hiến vô giá của các tác giả Ngô Gia văn phái về những trang tư liệu hào hùng trong lịch sử dân tộc qua việc khắc hoạ vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung. Như một thứ ánh sáng trong những phút đầu còn le lói nhưng vẫn lấp lánh hào quang ấy, hình tượng vị vua anh hùng mỗi lúc một cao rộng, lan toả để rồi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta vẻ đẹp trí tuệ sáng suốt, tài thao lược hơn người và một khí phách hào hùng lẫm liệt. Trong chúng ta hôm nay vẫn lưu truyền một giai thoại về người anh hùng mưu trí, tài năng, vị vua anh minh, sáng suốt của dân tộc.

1 129 lượt xem