Tác giả tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 10 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi Ngữ văn lớp 10 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 10. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi - Ngữ văn 10
I. Tác giả Nguyễn Văn Thạc
- Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 - 30/7/1972) là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam,
- Tác giả cuốn Nhật ký 'Chuyện đời' (hay còn được biết dưới cái tên 'Mãi mãi tuổi hai mươi').
II. Đọc tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi
2/10/1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đòi bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá.
Thế là thế nào? Cách đây ít lâu, mình còn là sinh viên. Bây giờ thì xa vời lắm rồi những ngày cắp sách lên giảng đường nghe thầy Đường, thầy Đạo,... Không biết bao giờ mình sẽ trở lại những ngày như thế. Hay chẳng còn bao giờ nữa! Có thể lắm. Mình đã lớn rồi.
Học bao lâu mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu? Chỉ còm cõi vì trang sách, gầy xác đi vì mộng mị hão huyền. Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình.
Mình bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ từ 9/3/1971, tháng Ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước.
Những người bạn thân yêu của mình đã lần lượt đi học xa hết cả rồi. Mỗi người một phương. Các bạn đã đi lên phương Bắc. Còn mình, sẽ đi về phương Nam...
Đêm Hà Bắc thật thanh bình. Thèm quá, nghe một tiếng thì thào của cánh gió trên đổi bạch đàn... Mình đã sống trên hai mươi ngày bên hồ cá Yên Duyên, Yên Sở. Ở đó có những đường cây đẹp tuyệt. Mình đã chụp tấm ảnh bộ đội đầu tiên dưới một gốc dừa, sau lưng là hồ cá. Hoàng hôn thong thả thay màu nước. Và ngôi sao Hôm trầm tư, kiêu hãnh đã mọc trên trời. Cuộc đời bộ đội đâu dễ dàng như thế. Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên Trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!
Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy,.... Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy. Nghẹn thắt vì một cảm giác khó tả, mình ngước nhìn lần cuối cùng cánh cửa sổ, nơi hằng ngày mình bò ra, nhìn xuống lòng đường.
Khoảng trời nhỏ của riêng mình đó. Một hôm nào, những hôm nào mình mong chờ nhìn thấy bạn của mình đạp xe qua, để mình gọi... Bây giờ, là chia tay, xe lăn bánh, êm ru, xe đi êm, mà bọn mình xô vào nhau, chen nhau thò tay ra của. Ngoài kia, là những khuôn mặt gần gũi, tuy có người chẳng bao giờ mình trò chuyện, chẳng bao giờ mình nghĩ rằng có họ sống trên đời... ở đâu, khuôn mặt thân yêu ấy? Bạn đi, mình không gặp được.
Đêm 26/7 chỉ là những gương mặt xa lạ, đầy vẻ háo húc và tự mãn. Rối loạn và thoảng một thứ mùi khó chịu. Mình không dám đúng lâu và đành chịu một nỗi ân hận giày vò... Mình đi, khi bạn đang bước vào năm học mới. Bước lên giảng đường bạn có nhớ tới mình không?... Đùng, hãy để tâm hồn trọn vẹn thanh thản, mà đón một mùa xuân của lòng mình. Trang đầu của cuộc đời sinh viên, đùng để rơi một giọt mục, đùng để loang lổ một vết ố vàng...
Xe ơi, lao nhanh hơn, cho ta chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm cả thời thanh xuân của mình...
Hơn cả khi trên tay phập phồng tờ quyết định. Vui suống, tự hào, cảm động làm sao khi trên người ta là bộ quân phục xanh màu lá. Anh sinh viên quen màu trắng áo của cánh cò, quen màu xanh da trời tháng nắng... Mình trút bỏ không thương tiếc, và trìu mến khoác lên mình màu xanh ấy. Màu xanh của núi đồi và thảo nguyên, của ước mơ và hi vọng. Màu xanh bất diệt của sự sống.
Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: Kia là sao Hôm yêu dấu... Nhưng khác hơn một chút. Bây giờ, ta đọc trong ngôi sao ấy, ảnh lửa cầu vồng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu,...
Ta như thấy trong màu kì diệu ấy, có cả hồng cầu của trái tim ta...
Ai ra đi cũng với lòng say lí tưởng, và nhẹ nhẹ bên trong là chút ước mơ. Buổi gác đầu tiên là đêm trăng sáng, là bài thơ, là một trang nhật kí,... Sung sướng và hãnh diện biết bao, ơi xóm làng yêu quý, ngủ yên, ngủ yên, có anh bộ đội thức canh trời. Những mái nhà nghiêng như mí mắt thân thương nhắm ngủ ngon lành... Ta bước nhẹ, lâng lâng một mùi hương quen thuộc. Bưởi đã cuối mùa, ổi đã cuối mùa,... Cây lá đang dồn nhựa để trổ ra một mùa quả chín...
[..] Hành quân từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đem, đẹp lắm. Trăng đầu tháng còn đỏ quạch, cứ gọi cho ta nhớ một cánh buồm. Đấy, cánh buồm đỏ thắm, đụng đầy gió, gió cuốn những ngôi sao đêm, ùa vào lòng thuyền và đẩy thuyền trôi trong tâm tưởng... Ngủ bên bờ một dòng sông, có những đường dừa thật đẹp.
Trời trong quá, dây điện chăng như những dòng kẻ của một trang vở học trò. Đừng bấm đèn trêu họ, cứ để họ nói chuyện với nhau. Anh con trai sắp xa người bạn của mình. Cô ta lại về trường học tiếp. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi là còi tàu, là chuyển bánh. Anh dặn gì cô ấy, có lẽ chẳng dặn gì đâu, và chỉ mỉm cười... Cậu nào đã cất tiếng hồ:
Tiếng ai như tiếng chuông vàng
Tiếng ai như tiếng cô nàng của anh...
Còn tiếng này thì đúng là giọng anh Châu rồi, anh –Mộng Châu:
Anh yêu em lắm em ơi,
Nhưng anh chẳng dám ngỏ lời với em...
Lính khoái, cười khúc khích... Những vì sao dưới sông cũng va vào nhau... Những cành dừa cũng nắm tay nhau tinh nghịch bay qua bầu trời thanh bình. Tiếng động cơ như xay lúa.
Đêm đẹp vô cùng, ta lắng nghe đất thở. Anh bạn nằm bên rọi đèn pin tìm gì, có
phải anh tìm con dế đang cần cù dạo bản nhạc đêm của Mi-khai-in Pri-sơ-vin (Mikhail Prishvin).
Không cưỡng nổi, ta lấy giấy và viết thư cho Như Anh...
III. Tác phẩm văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi
1. Thể loại: Truyện ngắn
2. Tóm tắt văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi
Nội dung văn bản “Mãi mãi tuổi 20” là dòng nhật ký đầy chân thật, gần gũi và bình dị ghi lại một thời chiến tranh ác liệt, những dấu chân người lính đi qua những vùng quê yên bình. Xoay quanh cái nhìn đa chiều về cuộc sống, về đời, về những con người, về tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu dân tộc. Trên hết là lý tưởng cách mạng của tác giả nói riêng và thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam nói chung.
3. Giá trị nội dung văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi
- Văn bản như một lời động viên, khích lệ cũng là nhắc nhở thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, xã hội.
4. Giá trị nghệ thuật văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi
- Giọng điệu trần thuật: tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất, chia sẻ những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân, đem lại sự gần gũi, thân thuộc với bạn đọc
IV. Tìm hiểu chi tiết văn bản Mãi mãi tuổi hai mươi
1. Quan điểm nhìn nhận đời sống, cảm xúc, tâm trạng của người viết.
- Quan điểm nhìn nhận đời sống:
+ Bước ra khỏi trang sách, sống cuộc đời của người lính, Nguyễn Văn Thạc hiểu được trách nhiệm của mình hơn đối với gia đình, người mình yêu thương, đồng độ và cao cả hơn là dân tộc Việt Nam.
+ Mỗi chặng đường đi qua, mỗi trạm dừng chân, anh đều ghi chép lại một cách tỉ mỉ những cột mốc để đánh dấu cuộc đời mình đầy chân thật. Cuốn nhật ký này không chỉ được viết bởi sự kiện, mà còn đan xen vào đó những ý nghĩ, suy nghĩ và đánh giá nhìn nhận bằng con mắt của người lính.
+ Chính những lần hành quân qua nhiều địa danh, vùng miền khác nhau, được gặp nhiều con người khác nhau giúp người con trai ấy trở nên gần gũi thân quen hơn với cuộc sống thực tế.
- Cảm xúc, tâm trạng của người viết:
+ Tự hào, vui sướng khi được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh – “Một màu xanh bất diệt của sự sống”, hạnh phúc khi nhận ra được những điều ý nghĩa.
+ Bồi hồi, xúc động, nghẹn ngào vì sự thiêng liêng của buổi chia tay, tình cảm của người đưa tiễn.
+ Nhớ nhà, nhớ về Hà Nội, nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ cùng với Như Anh.
2. Đặc sắc nghệ thuật
- Giọng điệu trần thuật: Tự hào, vui sướng, xúc động…
- Mạch liên kết các sự kiện, liên tưởng theo dòng cảm xúc của tác giả: Sau khi vào quân ngũ, tác giả mới bắt đầu suy ngẫm về sự lựa chọn của mình; hồi tưởng về ngày chia tay Hà Nội để lên đường; nhớ về Duy Anh với sự ân hận – “mình đi khi bạn bước vào năm học mới”; rồi lại trở về với thực tại, tự hào và hãnh diện khi được khoác lên chiếc áo màu xanh.
3. Thông điệp ý nghĩa
- “Mãi mãi tuổi 20” có lẽ là cuốn sách rất hay và ý nghĩa mà thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cần tìm hiểu và suy ngẫm, để thấy được trách nhiệm, vai trò của mình đối với đất nước, khi thế hệ cha anh lúc trước đã mất bao công sức để xây dựng.
- Nguyễn Văn Thạc là động lực để thế hệ trẻ chúng ta tự tin lựa chọn con đường đi cho riêng mình. Biết sống hết mình vì đam mê, vì lí tưởng và mục đích cao đẹp.
V. Các đề văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Mãi mãi tuổi hai mươi
Bài tham khảo 1
Chỉ mới cách ta vài ba thế hệ, muôn vạn con người giống thanh niên chúng ta đã vô tư chiến đấu và hy sinh với những điều đẹp nhất của tuổi thanh xuân để lại tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau. Cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi“ không chỉ làm xúc động trái tim người đọc nhờ bầu nhiệt huyết, trái tim đầy lý tưởng, khát khao của chàng trai trẻ Hà Nội tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên thời ấy mà nó còn chinh phục được người đọc bằng những áng văn đẹp được cất lên từ tâm hồn của một con người nhiều xúc cảm lãng mạn.
Cũng như bao chiến sĩ khác, anh- Nguyễn Văn Thạc cũng đầy nhiệt huyết, cũng đầy ắp tình cảm yêu thương. Những gì anh viết rất chân thật và nồng nàn tình cảm, giọng văn anh mềm mại, uyển chuyển đi sâu vào tâm can. Nhiều lúc lật lại cuốn sách, chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của người chiến sĩ cầm cây bút nhỏ, viết lên đôi dòng tình cảm dưới ánh đèn dầu hiu hắt. Những ngọn gió thoang thoảng thoáng qua, mang theo hương thơm mùi lúa mới. Như được sống lại, chúng ta sẽ thấy mình được hòa chung với những cảnh anh vẽ lên, những toa tàu xe lửa chở các anh bộ đội đang chợp mắt ngủ đôi chút, còn anh, người chiến sĩ với giọng văn mềm mại, với tri thức tuổi trẻ, anh viết lên những dòng chữ sâu thẳm nơi đáy lòng, anh viết lên viễn cảnh thời chiến, anh vẽ lên một bức tranh những năm 1971-1972.
Nếu ai đã từng đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc chắc hẳn đều không thể không cảm thấy xúc động trong lòng trước những dòng nhật ký hết sức chân thực ấy. Cuốn nhật ký được viết trong một khoảng thời gian không dài, bắt đầu từ ngày 2.10.1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24.5.1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa). Khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm ấy giống như một lát cắt trong cuộc đời một con người nhưng những gì được người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc ghi chép trong khoảng thời gian đó cũng đủ cho người đọc thấy được thế giới tâm tư phong phú cũng như tâm hồn anh, con người anh. Đằng sau đó, người đọc còn hiểu được thêm về những điều đáng quý, đáng trân trọng của cả một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tập nhật ký này chính là cuộc đời, là số phận, là suy nghĩ, tình cảm của người liệt sỹ đã hi sinh cách đây hơn 30 năm. Những dòng nhật ký chính là những suy tư, trăm trở trong những ngày sắp sửa lên đường vào mặt trận của anh lính sinh viên Nguyễn Văn Thạc. Đằng sau những lời lẽ hết sức chân thành và giản dị đều ẩn chứa lý tưởng, hoài bão, tình yêu đối với con người, cuộc sống của một thế hệ thanh niên trí thức Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, Nguyễn Văn Thạc luôn khao khát ra trận, luôn sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Với anh, được đi chiến đấu là một niềm tự hào “Bây giờ càng đi lâu, mình càng cảm thấy sự có mặt của mình trong quân đội là cần thiết, là đúng đắn”, “Vui sướng, cảm động làm sao khi trên người ta là bộ quân phục màu xanh lá”… Cuốn nhật ký này không chỉ làm xúc động trái tim người đọc nhờ bầu nhiệt huyết, trái tim đầy lý tưởng, khát khao của chàng trai trẻ Hà Nội tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên thời ấy mà nó còn chinh phục được người đọc bằng những áng văn đẹp được cất lên từ tâm hồn của một con người nhiều xúc cảm lãng mạn. Qua những dòng nhật ký, người đọc được biết về tình yêu trong sáng, tha thiết của một chàng trai và một cô gái Hà Nội. Chàng trai ra trận, cô gái đi học xa, tình yêu đẹp của họ đã vượt qua không gian và thời gian chín lên trong tình cảm nhớ thương, mong ngóng, đợi chờ và hi vọng của hai người. Hình ảnh Như Anh – người con gái anh yêu là hình ảnh xuyên suốt cuốn nhật ký. Anh đã dành cho người bạn gái của mình một tình yêu hết sức trong sáng, thuần khiết. Và chính thứ tình cảm đẹp đẽ đó đã tạo nên một khoảng trời dịu dàng, bình yên đầy lãng mạn trong cuốn nhật ký.
Qua từng trang nhật ký, người đọc, kể cả những thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời bình, đều tìm thấy bức tranh chân thật và sống động đến lạ kỳ về tâm hồn, tình cảm của thế hệ thanh niên 30 năm về trước. Ngọn lửa sục sôi của lứa tuổi 20 lên đường đi chiến đấu cháy sáng trong họ là sự hoà quyện của biết bao tình cảm đẹp đẽ chất chứa trong tim của những người cộng sản trẻ tuổi: tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu đồng bào, đồng chí, tình yêu đôi lứa. Ngọn lửa ấy chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp cho những người lính giữ được tinh thần lạc quan, ý chí vươn lên khi phải đối mặt với cái chết, với bao khó khăn, gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến. Nhờ đó, anh chiến sỹ Nguyễn Văn Thạc vẫn giữ được nét lãng mạn trong tâm hồn, vẫn lắng nghe được tiếng ếch kêu trong chiều, vẫn cảm nhận được làn gió thì thầm, thấy được ánh nắng hối hả trên từng khuôn mặt đồng đội. Đọc những dòng nhật ký này, chúng ta có thể hiểu ra một điều sức mạnh của tâm hồn, ý chí con người Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam đã góp phần đáng kể tạo nên sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuốn nhật ký với những dòng tâm sự được viết hết sức giản dị, mộc mạc này không những làm người đọc xúc động mà còn làm cho những ai đọc nó, nhất là những người trẻ tuổi hôm nay, phải suy ngẫm về những gì được viết trong đó. Cuộc sống tràn đầy hoài bão, ước mơ và tình thương yêu của anh Thạc và những thanh niên cùng thế hệ của anh khiến những người đang trong lứa tuổi hai mươi của ngày hôm nay phải suy nghĩ và nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại xem mình đã sống xứng đáng với những mất mát, hy sinh của lớp cha anh đã ngã xuống hay chưa. Những trang nhật ký của anh Thạc không chỉ đánh thức tình cảm của những người đã đi qua chiến tranh mà còn tạo ra một làn sóng ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống, suy nghĩ của thế hệ thanh niên hôm nay. Đọc cuốn nhật ký này, không ít những người trẻ tuổi hôm nay đã bàng hoàng nhận ra: những ước mơ nặng màu vật chất của mình sao quá tầm thường, bé nhỏ, trái tim mình sao quá ích kỷ, nhỏ nhen, tâm hồn mình sao quá tù túng, chật hẹp... “nếu tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này?” _ đó là những dòng cuối cùng anh Thạc viết trong nhật ký. Lời nhắn gửi ấy khiến cho những người đang sống trong tuổi hai mươi phải suy ngẫm, phải tự nhắc nhủ mình không thể sống vô tâm như trước nữa. Thế hệ trẻ hôm nay, sinh ra và lớn lên trong hoà bình, được hưởng cuộc sống no ấm, yên bình hơn thế hệ cha ông đi trước, cần phải phấn đấu, nỗ lực hết mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước để viết tiếp những trang nhật ký tươi vui về cuộc sống đúng như những gì tác giả “mãi mãi tuổi 20” đã mong ước “Tôi chỉ ao ước rằng ngày mai, những trang giấy còn lại sẽ toàn là những dòng vui vẻ, đông đúc...”
Qua cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Tôi lại hình dung Nguyễn Văn Thạc vẫn đang hiển hiện: gương mặt tuấn tú của người con trai Hà Thành, một nụ cười tươi sáng với bộ quân phục giải phóng, mũ tai bèo mềm mại. Tạo nên khí thế lao động, học tập và rèn luyện vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.Tôi muốn nói với anh rằng hãy yên lòng, hành trình của anh đang được tiếp nối bởi thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, lý tưởng của anh nhất định sẽ thực hiện thành công.