Tác giả tác phẩm Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 10 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) Ngữ văn lớp 10 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 10. Mời các bạn đón xem:

1 58 lượt xem


Tác phầm Thu hứng - Ngữ văn lớp 10

Cảnh thu trong hai câu đề và câu thực của bài Thu hứng có gì đặc biệt?

I. Tác giả Đỗ Phủ

1. Tiểu sử

– Đỗ Phủ (712 – 770), biểu tự Tử Mỹ, hiệu Thiếu Lăng, Đỗ Lăng dã khách hay Đỗ Lăng bố y.

– Là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời kì nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc.

– Ông tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi Sử và Thi Thánh 

– Trong suốt cuộc đời của mình, tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Cuộc đời ông, giống như cả đất nước, bị điêu đứng vì Loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động.

- Có một thời gian ngắn ông làm quan nhưng gần như suốt cuộc đời sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật. Năm 755, tướng An Lộc sơn nổi dậy chống triều đình. Để tránh hiểm hoạ, vả lại cũng không được nhà vua tín nhiệm, năm 759, ông từ quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam, một thời gian sống ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, Đỗ Phủ dựng được một ngôi nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa ở phía tây Thành Đô. 

2. Sự nghiệp văn học

– Về nội dung: 

+ Vấn đề lịch sử được đề cập trực tiếp trong thơ ông là sự bình luận các sách lược quân sự, các thắng bại của triều đình hay những ý kiến ông muốn đề đạt trực tiếp tới hoàng đế. Một cách gián tiếp, ông viết về ảnh hưởng của thời đại đối với đời sống chính mình cũng như người dân thường Trung Quốc.

+ Tình thương của Đỗ Phủ đối với chính mình và với người khác chỉ là một phần trong các chủ đề của thơ ông: ông còn sáng tác nhiều bài về những chủ đề mà trước đó bị coi là không thích hợp để thể hiện trong thơ. Zhang Jie đã viết rằng đối với Đỗ Phủ, “mọi thứ trên thế giới này đều là thơ”, các chủ đề trong thơ ông rất bao quát, như cuộc sống hàng ngày, thư họa, hội họa, thú vật và các chủ đề khác.

– Về nghệ thuật: 

+ Dù sáng tác ở mọi thể loại thơ, Đỗ Phủ nổi tiếng nhất ở cận thể thi, một kiểu thơ có nhiều ràng buộc về hình thức và số lượng từ trong câu. Khoảng hai phần ba trong 1.500 tác phẩm hiện còn của ông là ở thể này, và nói chung ông được coi là nhà thơ tiêu biểu cho thể loại này.

+ Những bài thơ đạt nhất của ông trong thể loại dùng phép đối song song để thêm nội dung biểu đạt thay vì chỉ là một quy định kỹ thuật thông thường.

3. Vị trí và tầm ảnh hưởng

– Sinh thời và ngay sau khi mất, Đỗ Phủ đã không được đánh giá cao, phần vì những đổi mới trong phong cách và hình thức thơ ông. Một số bị coi là quá táo bạo và kỳ cục đối với giới phê bình văn học Trung Quốc.

- Chỉ một số ít tác giả đương thời có nhắc tới ông và miêu tả ông với tính chất tình cảm cá nhân, chứ không phải như một nhà thơ xuất chúng hay lý tưởng đạo đức. Thơ Đỗ Phủ cũng ít xuất hiện trong những hợp tuyển văn học thời kỳ đó.

– Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông đối với thi ca Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, và tới thế kỷ thứ 9 ông đã trở nên rất nổi tiếng. Những lời ngợi ca đầu tiên dành cho Đỗ Phủ là của Bạch Cư Dị, người đã ca ngợi những tình cảm đạo đức trong một số tác phẩm của Đỗ Phủ. Hàn Vũ đã viết bài bênh vực mỹ học trong thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch trước những lời chỉ trích nhằm vào họ. Tới đầu thế kỷ thứ 10, Vi Trang đã cho dựng lại bản sao đầu tiên ngôi nhà tranh của ông ở Tứ Xuyên.

– Tới thế kỷ 11, trong giai đoạn Bắc Tống, danh tiếng Đỗ Phủ lên tới cực điểm. Trong thời gian này các nhà thơ trước đó đã được đánh giá lại một cách toàn diện, theo đó Vương Duy, Lý Bạch và Đỗ Phủ lần lượt được coi là đại diện cho xu hướng Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo trong văn hóa Trung Quốc. Cùng lúc ấy, sự phát triển của Tân Khổng giáo đã đặt Đỗ Phủ lên vị trí cao nhất, vì trong cả cuộc đời, ông đã không vì đói nghèo cùng khổ mà quên đi quân vương của mình. Ảnh hưởng của ông càng tăng do khả năng hòa hợp những mặt đối lập: phe bảo thủ chính trị bị thu hút bởi sự trung thành của ông với hệ thống tôn ti trật tự sẵn có, còn phe cải cách nắm lấy mối quan tâm của ông đối với đời sống dân nghèo. Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, sự trung thành với quốc gia và những quan tâm của ông tới người nghèo đã được giải thích sự phôi thai của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội, và ông được tán dương vì ông đã sử dụng ngôn ngữ giản dị “của nhân dân”.

– Sự nổi tiếng của Đỗ Phủ lớn tới mức có thể đo được, như trường hợp của Shakespeare ở Anh. Mỗi nhà thơ Trung Quốc đều khó có thể không bị ảnh hưởng từ ông. Không bao giờ có một Đỗ Phủ thứ hai, các nhà thơ sau này tiếp nối truyền thống trong từng khía cạnh cụ thể của thơ ông. Mối quan tâm của Bạch Cư Dị tới dân nghèo, lòng yêu nước của Lục Du, các phản ánh cuộc sống hàng ngày của Mai Nghiêu Thần là một vài ví dụ.

II. Bài thơ Thu hứng

Phiên âm:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

 

Dịch nghĩa:

Móc ngọc tơi bời ở rừng phong,

Khí ở núi Vu và kẽm Vu ảm đạm mịt mờ

Trên sông, nước và trời cùng trôi chảy,

Ngoài ải, gió và mây liên tiếp mù đất.

Cúc từng chòm nở hai lần dòng lệ xưa,

Thuyền lẻ loi buộc chặt mối tình quê cũ.

Nơi nơi giục giã dao thước may áo rét,

Tiếng chày chiều dồn dập thành cao Bạch Đế.

Dịch thơ:

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.

III. Tác phẩm Thu hứng

1. Thể loại

Văn bản Thu hứng thuộc thể loại Thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác văn bản Thu hứng

Văn bản Thu hứng ra đời vào mùa thu năm 766, tác giả đang sống phiêu bạc, đau ốm, khốn khó tại Quì Châu

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản Thu hứng có phương thức biểu đạt là miêu tả, biểu cảm

4. Ý nghĩa nhan đề

Nhan đề “Thu hứng” nghĩa là cảm xúc mùa thu đã nói lên được nội dung của cả bài thông qua hình ảnh mùa thu. Đó là tâm trạng cảm nhận của thu nhân trước cảnh mùa thu là nỗi lòng u uất, là nỗi buồn man mác của nhà thơ bao trùm lên cả cảnh vật.

Nỗi lo ấy bắt nguồn nỗi buồn của tác giả khi ông chứng kiến cảnh đất nước kiệt quệ vì sự tàn phá của chiến tranh. Bài thơ cũng là nỗi lòng của kẻ xa quê, là nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận của kẻ tha hương lưu lạc.

5. Tóm tắt văn bản Thu hứng

- Trong bài thơ hiện lên bức tranh thiên nhiên với không khí ảm đạm, hiu gắt của mùa thu. Để rồi từ đó tác giả thể hiện cái tình , cái nước nhớ thương dân

Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) – Tác giả tác phẩm Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức (ảnh 1)

6. Bố cục văn bản Thu hứng

+ Phần 1 4 câu thơ đầu: bức tranh thiên nhiên ảm đạm, hiu hắt của mùa thu

+ Phần 2 4 câu thơ cuối: Bộc lộ cái tình của nhà thơ nhớ nước, thương dân

7. Giá trị nội dung văn bản Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

- Bức tranh phong cảnh mùa thu, cùng với lòng nước, thương dân của tác giả

8. Giá trị nghệ thuật văn bản Thu hứng (Cảm xúc mùa thu)

Giọng thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng, câu chữ tinh luyện

Bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình

Ngôn ngữ ước lệ nhiều tầng ý nghĩa.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phhứng

a. Bốn câu thơ đầu: Cảnh thu

* Hai câu đề:

- Hình ảnh thơ cổ điển, là những hình ảnh được dùng để miêu tả mùa thu ở Trung Quốc: “ngọc lộ”, “phong thụ lâm”.

+ 'Ngọc lộ': Miêu tả hạt sương móc trắng xóa, dầy đặc làm tiêu điều, hoang vu cả một rừng phong.

+ 'Phong thụ lâm': hình ảnh được dùng để miêu tả mùa thu.

- “Vu sơn Vu giáp”: tên những địa danh nổi tiếng ở vùng Quỳ Châu, Trung Quốc, vào mùa thu, khí trời âm u, mù mịt.

- “Khí tiêu sâm”: hơi thu hiu hắt, ảm đạm.

=> Bức tranh thu ở vùng rừng núi lạnh lẽo, xơ xác, tiêu điều, hiu hắt.

* Hai câu thực:

- Hướng nhìn của bức tranh của nhà thơ di chuyển từ vùng rừng núi xuống lòng sông và bao quát theo chiều rộng.

- Hình ảnh đối lập, phóng đại: sóng - vọt lên tận trời (thấp - cao), mây - sa sầm xuống mặt đất (cao - thấp), qua đó không gian được mở rộng ra nhiều chiều:

+ Chiều cao: sóng vọt lên lưng trời, mây sa sầm xuống mặt đất.

+ Chiều sâu: sâu thẳm.

+ Chiều xa: cửa ải.

=> Không gian hoành tráng, mĩ lệ.

⇒ Bốn câu thơ vẽ nên bức tranh mùa thu xơ xác, tiêu điều, hoành tráng, dữ dội.

⇒ Tâm trạng buồn lo và sự bất an của nhà thơ trước hiện thực tiêu điều, âm u.

b. Bốn câu còn lại: Tình thu

* Hai câu luận

- Hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng:

+ Hoa cúc: hình ảnh ước lệ chỉ mùa thu.

+ Khóm cúc đã hai lần nở hoa: Có hai cách hiểu khóm cúc nở ra làm rơi giọt nước mắt, khóm cúc nở ra giọt nước mắt.

→ Dù hiểu theo cách nào thì cũng giúp chúng ta thấy được tâm sự buồn của tác giả.

+ “Cô phàm”: là phương tiện đưa tác giả trở về “cố viên”, đồng thời gợi thân phận lẻ loi, cô đơn, trôi nổi của tác giả.

- Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, hàm súc, cô đọng:

+ “Lưỡng khai”: Nỗi buồn lưu cữu trải dài từ quá khứ đến hiện tại.

+ “ Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc mối tình nhà của tác giả.

+ “Cố viên tâm”: Tấm lòng hướng về quê cũ. Thân phận của kẻ tha hương, li hương luôn khiến lòng nhà thơ thắt lại vì nỗi nhớ quê.

- Tác giả đã đồng nhất giữ tình và cảnh trong hai câu thơ.

→ Hai câu thơ diễn tả nỗi lòng da diết, dồn nén nỗi nhớ quê hương của tác giả.

* Hai câu kết

- Hình ảnh:

+ Mọi người nhộn nhịp may áo rét.

+ Giặt áo rét chuẩn bị cho mùa đông.

- Âm thanh: tiếng chày đập vải.

→ Âm thanh báo hiệu mùa đông đến, đồng thời đó là âm thanh của tiếng lòng, diễn tả sự thổn thức, mong ngóng, chờ đợi ngày được trở về quê.

⇒ Bốn câu thơ diễn tả nỗi buồn của người xa quê, ngậm ngùi, mong ngóng ngày trở về quê hương.

c. Giá trị nội dung của Thu hứng

     Bài thơ vẽ nên bức tranh mùa thu hiu hắt, mang đặc trưng của núi rừng, sông nước Quỳ Châu. Đồng thời, bài thơ còn là bức tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh loạn ly: nỗi lo cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình.

d. Giá trị nghệ thuật của Thu hứng

- Tứ thơ trầm lắng, u uất

- Lời thơ buồn, thấm đẫm tâm trạng, câu chữ tinh luyện

- Bút pháp đối lập, tả cảnh ngụ tình

- Ngôn ngữ ước lệ nhiều tầng ý nghĩa.

V. Các đề văn mẫu 

Soạn bài Thu hứng sách kết nối tri thức

Đề bài: Phân tích bài Thu hứng

Bài tham khảo 1

Nhắc đến Trung Quốc, không ai là không biết đến nhà thơ nổi tiếng Đỗ Phủ (712-770). Ông có hàng ngàn bài thơ phong phú, sâu sắc, chủ yếu viết về sự ảnh hưởng của thời đại lên đời sống người dân và chính bản thân mình. Ông có nhiều tác phẩm kiệt tác, trong số đó có bài thơ “cảm xúc mùa thu” bài thơ thứ nhất trong chùm thơ “thu hứng” năm 766, khi ông cùng gia đình đi chạy nạn ở Quỳ Châu. “Cảm xúc mùa thu” vừa là bức tranh thu ảm đạm, hắt hiu, vừa là bức tranh tâm trạng u sầu trĩu nặng của nhà thơ trong lúc đất nước đang rối ren, loạn lạc.

Bài thơ chia làm hai phần, bốn câu thơ đầu tác giả tả cảnh mùa thu ảm đạm, hắt hiu. Bốn câu thơ sau là tả tình, chính là cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước cảnh mùa thu, nỗi nhớ quê và nỗi niềm dân nước.

Hai câu thơ đầu được nhìn trong tầm bao quát rộng và xa:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Tác giả đã đặt điểm nhìn của mình từ rừng núi xuống dòng sông, bao quát theo chiều rộng. Nhắc đến phong người ta liên tưởng đến mùa thu vì mỗi đợt thu về rừng phong lại đỏ úa thể hiện sự li biệt, buồn thương. Vậy mà sương móc trắng xóa, dày đặc làm xơ xác cả rừng phong càng hiện vẻ tiêu điều, lạnh giá. Nét tiêu điều của cảnh vật hiện lên rõ nét trong mắt của nhà thơ. Câu thơ thứ hai càng làm nổi lên sự lạnh lẽo “Vu sơn, Vu giáp” chính là hẻm Vu hiểm trở, hùng vĩ vách dựng đứng nên ánh mặt trời khó lọt xuống lòng sông. Vào mùa thu không khí lạnh lẽo ảm đạm trong cái nhìn đầy tâm trạng của nhà thơ càng hiu hắt, ảm đạm. Qua hai câu đầu về cảnh núi rừng mùa thu, sự tiêu điều, hiu hắt, bi thương lan tỏa khắp không gian khác hoàn toàn cảnh thu trong thơ ca truyền thống. Chính sự đau buồn ấy, Đỗ Phủ viết lên những lời thơ sâu sắc:

Giang gian ba làng kiêm thiên dũng,Tại thượng phong vân tiếp địa âm.

Trong hai câu thơ này có hình ảnh đối lập vô cùng thú vị, sóng vọt lên tận lưng trời, rồi mây sa sầm xuống mặt đất, từ thấp lên cao rồi từ cao xuống thấp, sự vận động trái chiều và triệt để. Cảnh thu chuyển động dữ dội tạo nên bức tranh thu vừa hùng vĩ vừa bi tráng. Sự chuyển động chao đảo của cảnh vật, cũng là sự chao đảo xã hội lúc bấy giờ. Lời thơ là nỗi lòng thương nhớ tuyệt vọng trước thời thế lúc bấy giờ của nhà thơ. Bốn câu thơ tả cảnh cụ thể đặt cạnh nhau làm toát lên bức tranh thu rộng lớn vừa tiêu điều hiu hắt, vừa dữ dội, hùng vĩ. Chính cảnh vật ấy vừa gợi nỗi buồn tê tái, vừa ngầm thể hiện nỗi lo âu của nhà thơ về sự không yên bình nơi biên ải.

Cảnh thu ở phần thứ nhất đã khơi gợi cái tình trong lòng nhà thơ. Bốn câu thơ sau nói lên nỗi nhớ quê nhà và nỗi niềm dân nước.

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệCố chu nhất hệ cố viên tâm.

Cúc là loài hoa của mùa thu, biểu tượng niềm vui và vẻ đẹp vậy mà nhìn nó lại nhỏ lệ, gợi một nỗi buồn sâu lắng của nhà thơ, nhìn hoa cúc nhớ về những mùa thu ở quê hương mà lòng u sầu, nghẹn ngào. Chữ ” lệ” trong bài thơ rất khó phân biệt lệ của người hay của hoa, tuy nhiên có lẽ nên hiểu: mỗi lần nhìn hoa cúc nở, nhà thơ lại chạnh lòng nhớ về quê hương. Những giọt nước mắt cũng cứ thế tuôn rơi không ngăn lại được, hình ảnh hoa cúc nở rồi lại nở vừa gợi sự trở đi trở lại của nỗi nhớ quê, vừa gợi ra những dòng lệ chứa chan ân tình của nhà thơ. “Cố chu” con thuyền cô độc, khi nhìn thấy con thuyền nỗi lòng tác giả càng dâng trào, càng nhớ quê da diết. Hình ảnh con thuyền trôi nổi, lưu lạc, là phương tiện duy nhất nhà thơ gửi gắm ước nguyện về quê, “hệ cố viên tâm” rất đặc biệt như buộc chặt nỗi lòng con người với quê nhà như con thuyền trôi về quê hương. Bằng nghệ thuật ẩn dụ tinh xảo hai câu thơ biểu hiện nỗi nhớ quê một cách sinh động và tha thiết, sâu lắng của nhà thơ.

Hai câu cuối âm thanh sinh động được lột tả:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,Bạch Đế thành cao cấp mộ chân.

Cảnh nhộn nhịp may áo rét, cảnh mọi người giặt áo cũ âm thanh tiếng chày đập vải nhộn nhịp trên sông để chuẩn bị cho mùa đông tới, vẽ lên cuộc sống sinh hoạt vui tươi và nhộn nhịp, vang động, lại càng xoáy sâu vào lòng người nỗi nhớ quê nhà tê tái, khuôn nguôi, nhớ đến cuộc sống bình yên nơi quê nhà càng mong nhớ quê da diết hơn. Trời tối rồi, nhà thơ không nhìn thấy gì nữa mà chỉ nghe tiếng chày đập vải và chạnh lòng nhớ những người lính nơi quan ải.

Bằng việc sử dụng không gian dài, rộng, vừa cao, sâu, thấp lên cao và từ cao xuống thấp và những phép ẩn dụ đặc sắc, đối xứng chặt chẽ. Cách hay trong bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ cảm xúc, dùng quá khứ nói hiện tại. Bài thơ đã miêu tả bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà hiu hắt, sôi động mà nhạt nhòa trong sương khói mùa thu, đồng thời hiện diện một tâm trạng buồn, xót xa với nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.

Bài thơ ” Cảm xúc mùa thu” là bài thơ rất hay và ý nghĩa. Bài thơ là nỗi lòng nhớ quê của tác giả khi phải xa quê trong lúc loạn lạc. Bài thơ như nhắc nhở chúng ta yêu quê hương mình và trân trọng nơi chúng ta đã sinh ra.

Bài tham khảo 2

Cuộc đời Đỗ Phủ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: những năm ngao du vô tư thoải mái thời trai trẻ, những năm gia đình sa sút phải ăn chực nằm chờ sau những lần thi hỏng ở thủ đô Trường An, những năm bị ném vào dòng nước xoáy của thời đại trong chiến loạn An – Sử (755 – 763), những năm sống trôi dạt cuối đời ở các tỉnh thuộc vùng tây nam của đất nước.

Khi chiến loạn vừa kết thúc, Đỗ Phủ đã có ý định xuôi sông Trường Giang về đổng để tìm đường về quê ở phía bắc.

Năm 765, Đỗ Phủ rời Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, đưa gia đình phiêu bạt qua một số nơi rồi về tạm trú ngụ ở Quỳ Châu. Chùm thơ Cảm xúc mùa thu nổi tiếng gồm tám bài được sáng tác tại đây năm 766, chỉ bốn năm trước khi nhà thơ qua đời.

Chùm thơ là một chỉnh thể trong đó Cảm xúc mùa thu số 1, bài được chọn giảng, là “cương lĩnh sáng tác” của cả chùm thơ. Nhà phê bình nổi tiếng Kim Thánh Thán đã nhận xét về tính chất chặt chẽ của bố cục chùm thơ và vị trí cao của bài Cảm xúc mùa thu số 1 như sau: “Bảo là liền thì mỗi bài đứt, bảo là đứt thì mỗi bài liền. Đổi vị trí một bài không được, thêm bớt một bài không được…

Tất cả thơ này lấy bài thứ nhất làm đề cương, bởi vì bài ấy nói đến cái cảnh tiên sinh đường sống lúc bấy giờ. Đó chính là mùa thu tại Tây các (gác phía tây) phủ Quỳ, nhân thu mà khởi hứng. Câu đầu bảy thiên sâu nhất nhất đều do đó mà ra như áo chìm có cổ, như bông hoa có cuống, như hiệu lệnh của mười vạn binh phát xuất tự nơi trung quân”.

Quả chỉ có thể thấy được một cách thật đầy đủ ý nghĩa và vẻ đẹp của bài Cảm xúc mùa thu số 1 khi đặt nó trong cả chùm thơ; tuy nhiên, vì đó là bài có tính chất “đề cương”, “cương lĩnh”, mặt khác, cũng bảy bài còn lại, nếu “bảo là đút thi mỗi bài liền”, tức mỗi bài đều có tính tương đối độc lập nên ta vẫn có thể và thực tế đã có nhiều người phân tích nó như một chỉnh thể.

Cũng như với nhiều bài thơ Đường nổi tiếng khác, chỉ có thể lí giải được đúng bài Cảm xúc mùa thu số 1 nếu chia tác phẩm thành hai phần: nửa trên, về cơ bản tả cảnh tho ở Quỳ Châu và nửa dưới, về cơ bản ĩả tình — cảm xúc của nhà thơ trước cảnh thu ở Quỳ Châu.

Ở cặp câu thứ nhất (tức “liên thứ nhất”, “liên đầu”, ta quen gọi là hai câu đề), bản dịch thơ đã tái hiện được cảnh thu buồn bã song trong nguyên bản, không khí còn thảm đạm hơn nhiều. Ớ câu thứ nhất, sương móc không phải “sa lác đác” mà hẳn là dày đặc mới có thể làm tiêu điều, thương tổn (điêu thương) được cả rừng phong ; rừng phong không phải là danh từ làm trạng ngữ chỉ nơi chốn mà là đối tượng bị sương móc vùi dập một cách tàn nhẫn.

Ở câu thứ hai của bản dịch, chữ “loà” cùng với từ “hiu hắt” chỉ phần nào lột được thần thái của hai chữ tiêu sâm (tối tăm, ảm đạm) trong nguyên bản; chữ “ngàn non” thay thế cho hai danh từ riêng khiến cho bản dịch dễ hiểu song lại làm mờ nhạt bản sắc của phong cảnh vùng Quỳ Châu. Hãy đọc đoạn sau đây trong thiên Sông ngòi ở cuốn Thuỷ kinh chú của Lịch Đạo Nguyên thời Lục triều: “Suốt cả vùng Tam Giác (Vu Giáp, Cù Đường Giáp, Tây Lăng Giáp) dài bảy trăm dặm, núi liên tiếp đôi bờ, tuyệt không có một chỗ trống.

Vách đá điệp trùng che khuất cả bầu trời, chẳng thấy cả ánh nắng mặt trời lẫn ánh sáng trắng… Mỗi khi trời vừa tạnh, trong sáng sớm sương mù, nơi rừng lạnh khe vắng thường có vườn ở trên cao hú dài, tiếng thê thảm dị thường, hàng trống truyền âm thanh bi ai mãi chẳng dứt. Cho nên những người đánh cá có câu ca rằng: “Ba đồng Tam Giáp Vu Giáp trường – Viên minh tam thanh lệ triêm thường” (Ba kẽm ở phía đông đất Ba Thục thì kẽm Vu là dài nhất, Vượn kêu ba tiếng đã làm cho lệ rơi đầm áo xiêm)”.

Bình thường, cả lúc trời tạnh, cảnh Vu Giáp đã tối tăm ảm đạm ; chiều thu, hẳn càng tối tăm ảm đạm ; qua lăng kính nhà thơ, lại tối tăm ảm đạm bội phần ! Nếu ở câu thứ nhất còn có chút ánh sáng, còn có sự tương phản màu sắc trắng – đỏ giữa sương móc chiều thu và cánh rừng phong bạt ngàn thì đến đây, tất cả dường như chìm trong âm u… Hai câu thơ tiếp theo (tức “liên thứ hai”, “liên cằm”, ta quen gọi là hai câu thực), mới đọc qua, tưởng như mở ra một viễn cảnh thoáng đãng hơn:

Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm,Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Quả ở đây, ngoài không khí âm u còn có cảnh sắc hùng vĩ. Hùng vĩ vốn là một trong những nét tiêu biểu của cảnh sông núi Quỳ Chầu, mặt khác, cũng phản ánh một nét trong tâm hồn cao quý của Đỗ Phủ: dẫu đau buồn tột độ, nhà thơ vẫn còn ủ ấp tráng chí. Tuy vẫn được vẽ bởi ngòi bút chấm phá quen thuộc của thơ Đường song thiên nhiên ở đây tuyệt không phải là những đường tiết tủn mủn, yếu ớt mà là rộng mở, rắn rỏi, tạo nên một bức tranh toàn cảnh hoành tráng.

Tuy nhiên, đọc kĩ, sẽ thấy ngay ở đây, nét bi thảm vẫn lấn át mặt hoành tráng. Hãy tưởng tượng xem, phần không gian dành lại cho con người đã bị dồn ép tới mức nào, ngột ngạt và bất an đến dường nào giữa những làn sóng vọt tận lưng trời và những làn mây sa sầm giáp mặt đất ! Các chữ “rợn” và “đùn” ở bản dịch đã truyền đạt thành công không khí hãi hùng của khung cảnh song vẫn khó thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác, làm cho người đọc cảm nhận như sóng và mây vận động cùng chiều trong khi chúng vận động ngược chiều (“đùn” chỉ là bị đẩy từ trong ra hay từ dưới tên).

Cũng như ở nửa trên bài Lên cao, trọng điểm ở bốn câu đầu bài cảm xúc mùa thu số 1 là tả cảnh song trong cảnh đã thoáng lộ tình, tình buồn (qua hình ảnh sương móc trắng xóa, rừng phòng úa tàn, khí thu mù mịt) nhưng xao động, dữ dội (qua hình ảnh đất trời chao đảo, sóng tung toé, mây vần vụ).

Hai câu thứ năm và thứ sáu (tức “liên thứ ba”, “liên cổ”, ta thường quen gọi là hai câu luận) được xem là tiêu biểu cho tinh thần của Cảm xúc mùa thu số 1 và ba chữ “cố viên tâm” (ở câu 6) lại được coi là “mắt rồng”, tức nơi tập trung linh hồn của cả chùm thơ Cảm xúc mùa thu.

“Cố viên tâm” (nỗi lòng quê cũ) trước hết là chỉ “nỗi nhớ Lạc Dương (Hà Nam)”, quê quán của Đỗ Phủ, cũng ỉà một trong những thành phố phồn hoa nhất ở thời Đường. Đặt trong văn cảnh, nó còn chỉ “nỗi nhớ Trường An, kinh đô nhà Đường” và rộng hơn nữa, còn là một biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước.

Trong bảy bài Cảm xúc mùa thu tiếp theo, nhà thơ chỉ nói đến nỗi nhớ Trường An, Trường An những ngày còn thái bình thịnh trị, lúc Đỗ Phủ còn là quan chức của triều đình cũng như Trường An đương thời, nơi đang “thay đổi luôn luôn như một cuộc cờ”, nơi đang diễn ra những cuộc tranh chấp giành giật quyền bính giữa các thế lực phong kiến quân phiệt có sự can thiệp của các thế lực ngoại tộc.

Hai câu thơ này cũng được xem là danh cú (câu thơ, câu văn nổi tiếng) xét về mặt tiêu biểu cho thi pháp thơ Đường. Ở đây, tác giả đã đồng nhất nhiều sự vật và hiện tượng: tình và cảnh (nhìn hoa cúc nở mà trông như xoè ra những cánh hoa bằng nước mắt), hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ của quá khứ gần – hai năm qua, kể từ ngày rời Thành Đô – và quá khứ xa), sự vật và con người (dây buộc thuyền cũng là dây thắt lòng người lại).

Đáng nói hơn là những sự đồng nhất có vẻ phi lí ấy lại có một cội nguồn hiện thực sâu xa. Trong chiến loạn An – Sử, không chỉ con người bị huỷ diệt (trong tám năm, dân số Trung Quốc chỉ còn một phần ba) mà thiên nhiên cũng bị tàn phá. Hình ảnh “hoa nhỏ lệ” không phải chỉ xuất hiện một lần trong thơ Đỗ Phủ. Chữ tha nhật (trong nguyên tác) được một số người hiểu là chỉ ngày sau, những ngày sắp tới song hầu hết đều cho là chỉ ngày trước, những ngày đã qua.

Trước cảnh thu buồn, hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ đã tập kết về thời điểm hiện tại và đọng lại trên những nhành hoa. Bởi vậy, câu thơ dịch “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ” của Nguyễn Công Trứ là rất đạt. Lệ của nhà thơ rơi trong hai năm qua chỉ là sự lặp lại, chồng lên những dòng lệ cũ. Trước chiến loạn An – Sử, nhà thơ nghèo khổ đã từng rơi lệ khi đứa con trai “yêu nhất đời” bị chết đói giữa mùa gặt hái!

Chiếc thuyền lẻ loi (cô chu) là một ẩn dụ đích đáng không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất mà nhà thơ gửi gắm vào đó ước vọng về quê, là địa chỉ trú ngụ đích thực, là chiếc “nhà nổi” của Đỗ Phủ trên con đường chuyển dịch về phía đông để kiếm cơ hội hồi hương.

Ở liên thứ tư (tức “liên đuôi”, ta quen gọi là hai câu kết), tác giả đã kết thúc bài thơ một cách bất ngờ. Nhà thơ không bộc lộ trực tiếp cảm xúc chủ quan như thường lệ mà lại quay về tả những cảnh thực ngoài đời: không khí tấp nập của mọi người nô nức may áo rét (câu 7) và giặt giũ áo cũ (câu 8) để chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần. Trong thơ cổ Trung Hoa, tiếng chày đập vải, nhất là về chiều và đêm, là một loại âm thanh đặc biệt có sức gợi cảm rất lớn, chúng không làm cho những người khách xa xứ vui lây mà chỉ càng thêm não lòng.

Cũng giống như ở cuối bài Lên cao (Đẳng cao), cuối bài Cảm xúc mùa thu số 1, tác giả đã dùng phương thức tả pha kể để biểu cảm nên đằng sau những câu thơ tưởng như lạnh lùng bình thản là cả một nỗi lòng đau thương quằn quại. Biểu hiện cảm xúc trước cảnh thu là một đề tài muôn thuở của thơ ca. Cảm xúc mùa thu số 1 là một tác phẩm độc đáo, tiêu biểu cho thành tựu nghệ thuật của Đỗ Phủ ở giai đoạn cuối đời.

Qua đây, ta không chỉ thấy hình ảnh cụ thể của một chiều thu ở Quỳ Châu mà còn thấy cả tình cảnh, nỗi lòng của một con người cụ thể sống trong hoàn cảnh ấy. Chiến tranh phong kiến liên miên và sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến ở giai đoạn cuối Thịnh Đường đã đẩy con người ấy, vốn là một ông quan của triều đình, về tận góc trời xa thẳm và con người ấy, ngày đêm chỉ còn ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ.

Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng là ước mơ của bao người dân nghèo khổ lưu vong ở thời Đường. Bởi vậy, bài thơ tuy không miêu tả trực tiếp tình hình xã hội, vẫn chan chứa tình đời và có giá trị hiện thực sâu sắc.

1 58 lượt xem