Tác giả tác phẩm Ngôn chí, bài 3 (Kết nối tri thức 2024) Ngữ văn 10 chi tiết nhất
Tác giả tác phẩm Ngôn chí, bài 3 Ngữ văn lớp 10 sách Kết nối tri thức đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 10. Mời các bạn đón xem:
Tác giả tác phẩm Ngôn chí, bài 3 - Ngữ văn 10
I. Tác giả Nguyễn Trãi
- Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội)
- Gia đình: Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.
- Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.
+ Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.
+ Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.
- Phong cách sáng tác:
+ Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt
+ Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc.
II. Đọc tác phẩm Ngôn chí bài 3
Am trúc hiên mai ngày tháng qua,
Thị phi nào đến cõi yên hà.
Bữa ăn dù có dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm là.
Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt,
Ðất cày ngõ ải luống ương hoa.
Trong khi hứng động vừa đêm tuyết,
Ngâm được câu thần dắng dắng ca.
III. Tác phẩm văn bản Ngôn chí, bài 3
1. Thể loại
Thơ thất ngôn bát cú Đường luật biến thể (xen lẫn câu lục ngôn giữa các câu thất ngôn)
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Ngôn chí là bài thơ gồm 21 bài trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
3. Tóm tắt văn bản Ngôn chí, bài 3
Bài thơ thể hiện khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ và tâm trạng nhàn nhã, thanh thản của nhân vật trữ tình
4. Bố cục văn bản Ngôn chí, bài 3
- Phần 1: 2 câu đề: Không gian sống thanh bình, yên tĩnh
- Phần 2: 2 câu thực: Ăn uống đơn sơ, giản dị
- Phần 3: 2 câu luận: Chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần
- Phần 4: 2 câu kết: Ngâm thơ, ngắm trăng tận hưởng cuộc sống.
5. Giá trị nội dung văn bản Ngôn chí, bài 3
Văn bản Ngôn chí (bài 3) nói lên vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi, bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu đời, nhân dân, đất nước đồng thời cũng thể hiện triết lí nhân sinh sâu sắc.
6. Giá trị nghệ thuật văn bản Ngôn chí, bài 3
- Sử dụng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn (sáu chữ) vào bài thơ thất ngôn (bảy chữ).
IV. Tìm hiểu chi tiết văn bản Ngôn chí, bài 3
1. Hình tượng thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình
- Bức tranh thiên nhiên đẹp, bình dị, dân dã hiện lên thông qua các hình quen thuộc như hoa mai, ao cá đến “ngõ cày đất ải”. Thiên nhiên ở vùng quê thật yên bình nhưng vẫn toát lên vẻ thanh tao.
- Con người hoà mình vào thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của bản thân. Qua bài thơ cho thấy tâm hồn Nguyễn Trãi chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước.
2. Các yếu tố nghệ thuật đặc sắc
- Đặc sắc nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Trãi: Sử dụng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn (sáu chữ) vào bài thơ thất ngôn (bảy chữ).
3. Vẻ đẹp tư tưởng, tâm hồn tác giả
- Xuất hiện ở đầu thế kỉ XV, thiên tài văn học Nguyễn Trãi trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lí-Trần, đồng thời mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới.
- Nguyễn Trãi dành nhiều tình yêu cho thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc sống. Thiên nhiên trong thơ ca ông có những bức tranh lụa xinh xắn, phảng phất trong phong vị thơ Đường, lại có những bức tranh bình dị, dân dã của một vùng quê thanh bình.
- Thông qua bức tranh thiên nhiên, thể hiện rõ tấm lòng luôn suy nghĩ, trăn trở vì nước vì dân “cuồn cuộn như nước triều đông” của Nguyễn Trãi.
V. Các đề văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Ngôn chí, bài 3
Bài tham khảo 1
Nhắc đến những nhà thơ lớn của dân tộc sẽ thật thiếu sót khi bỏ qua cái tên Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã để lại cho đời nhiều tác phẩm cả chữ Hán và chữ Nôm có giá trị lớn. Thơ của ông có sự kết hợp giữa lòng yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Trong đó, nổi bật là 'Ngôn chí' (bài 3). Bài thơ đã giúp người đọc có những cảm nhận rõ nét về bức tranh thiên nhiên làng quê yên bình. Qua đó, tác giả gửi gắm những suy tư, quan niệm sống của chính mình.
Ở những câu thơ đầu ta cảm nhận được vẻ đẹp của thi nhân qua cuộc sống thường nhật: 'Am trúc hiên mai ngày tháng qua/ Thị phi nào đến cõi yên hà'. Hai câu thơ như mở ra trước người đọc hình dung khung cảnh rừng trúc rộng lớn. Nơi ở của tác giả không chỉ có 'am trúc' mà trước hiên nhà còn có cây mai. Hình ảnh cây mai như gợi lên cốt cách thanh cao người quân tử Ức Trai. Câu thơ đã gợi lên cho người đọc một không gian sống dân dã, mộc mạc tại làng quê. Cụm từ 'ngày tháng qua' thể hiện sự trôi chảy của thời gian. Từng ngày, từng ngày trôi qua, thi nhân bầu bạn với tự nhiên, thả hồn mình cảm nhận những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Lui về ở ẩn, tác giả rời xa chốn quan trường xa hoa, bon chen nơi đầy những 'thị phi' để về với cõi 'yên hà'. Nơi ở của nhà thơ tách biệt hoàn toàn với cuộc sống hối hả bên ngoài. Ở nơi đây, chỉ có Nguyễn Trãi cùng với vẻ đẹp bình dị của đất trời.
Không chỉ chọn nơi ở để 'di dưỡng tâm hồn', thi nhân còn rất giản dị trong cuộc sống thường ngày 'Cơm ăn dầu có dưa muối/ Áo mặc nài chi gấm là'. Bữa ăn hàng ngày với 'dưa muối', món ăn quen thuộc với những người nông dân. Còn về trang phục, không phải là áo gấm lụa là như khi còn làm quan nữa mà đó là những tấm áo bình dị. Khi chọn cho mình lối sống ở ẩn, dẫu bữa ăn, trang phục đơn giản nhưng nhân vật trữ tình vẫn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Vậy chỉ với bốn câu thơ đầu tiên, người đọc đã cảm nhận được cuộc sống của nhà thơ hiện lên thanh bình, giản dị.
Những câu thơ tiếp theo đã giúp ta cảm nhận được sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. 'Nước dưỡng cho thanh' nhân vật trữ tình giữ cho nước ao trong để bóng trăng chiếu xuống cho đẹp mà 'thưởng nguyệt'. Ở đây, tác giả sử dụng lối nói ẩn dụ. Việc ngắm trăng cũng giống như việc con người nuôi dưỡng chính tâm hồn mình vậy. Muốn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống thì con người cần giữ cho mình những phẩm chất tốt đẹp. Nguyễn Trãi còn giống như một người nông dân, hàng ngày 'Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa'. Nhân vật trữ tình vun xới, đào đất cho tơi xốp, sau đó mới gieo trồng. Ở đây, ta thấy cuộc sống của Nguyễn Trãi giống như một lão nông tri điền, làm những việc bình dị nhưng để di dưỡng tâm hồn, gieo mầm cái đẹp và thưởng thức cái đẹp.
Trong hai câu thơ cuối như nhãn tự của cả bài thơ 'Trong khi hứng động vừa đêm tuyết/ Ngâm được câu thần dặng dặng ca'. Ở đây, ta thấy những vần thơ tràn đầy cảm hứng, ngỡ như con người có thể giao hòa cùng với thiên nhiên, đất trời, vũ trụ. Lúc này, dường như cảm xúc trong thi sĩ đã đạt đến sự thăng hoa nên không thể kìm lòng được mà cất tiếng ngâm thơ.
Với những hình ảnh giản dị, mang màu sắc dân tộc, Nguyễn Trãi đã mang đến cho người đọc một bài thơ hay và ý nghĩa. Đọc 'Ngôn chí', ta cảm nhận được hình ảnh thật đẹp của một ẩn sĩ khi quyết định từ bỏ chốn quan trường mà về bầu bạn với thiên nhiên nơi dân dã, đó là một nhà thơ có lối sống thanh bạch, liêm khiết. Mặc dù chọn lui về quê ở ẩn nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn trăn trở, nghĩ suy về cuộc đời, về giang sơn đất nước. Ông luôn mong mỏi, khát khao một ngày 'Dân giàu đủ khắp đòi phương'.
Qua 'Ngôn chí', (bài 3), người đọc dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của tác gia Nguyễn Trãi. Không chỉ gắn bó với thiên nhiên mà tác giả còn sống giản dị, thanh cao. Theo thời gian, những tác phẩm của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng người.
Bài tham khảo 2
Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà văn hóa lớn mà còn là nhà thơ trữ tình sâu sắc. Ông đã để lại cho thơ ca Việt Nam rất nhiều bài thơ hay và có giá trị cả về chữ Hán và chữ Nôm. Tiêu biểu cho sáng tác đó phải kể đến bài 'Ngôn chí' (bài 3). Bài thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp của thi sĩ qua cuộc sống thường nhật.
'Ngôn chí' chính là bài thơ trong chùm thơ gồm 21 bài trong tập 'Quốc âm thi tập'. Nhan đề 'Ngôn chí' không giới hạn 'nói chí' trong phạm vi hẹp mà còn hàm chứa cả chí lẫn tình. Và bài thơ được viết theo thể thất ngôn xen lục ngôn, đây cũng là sự phá cách trong thể thơ của Ức Trai.
Ở những câu thơ đầu tiên, tác giả đã đã nói đến ba vấn đề trong cuộc sống của mình đó là nơi ở:
'Am trúc hiên mai ngày tháng qua.
Thị phi nào đến cõi yên hà. '
Nơi ở của Nguyễn Trãi là 'am trúc' giúp ta hình dung ra cạnh nhà thi sĩ là cả rừng trúc. Còn trước sân nhà Ức Trai là cây mai. Thông thường, loại cây đó dùng để nói về chí khí của người quân tử. Vậy cây mai trước hiên nhà như tượng trưng cho chính lý tưởng của Nguyễn Trãi. Và có lẽ, 'am trúc, hiên mai' là nơi 'yên bình' để tác giả đếm ngày tháng qua, đếm những bình yên đang đón đợi. Như vậy, chúng ta có thể thấy ngay trong câu thơ đầu tiên, thi nhân đã tái hiện cuộc sống thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên, cảm nhận những vẻ đẹp thanh bình của cuộc đời. 'Thị phi' là thế giới ồn ào, tấp nập, tranh đua ngoài kia. Còn nơi tác giả chọn sống đó là cõi 'yên hà' với chốn thiên nhiên ở vùng quê, cách xa cuộc sống xô bồ. Như vậy chúng ta có thể cảm nhận được Nguyễn Trãi đã lựa chọn cuộc sống 'lánh đục tìm trong', hòa hợp với thiên nhiên. Nơi ở ấy không có những bon chen của cuộc đời để nhà thơ có thể giữ cho tâm hồn trong sạch. Câu thơ 'Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt' cho ta thấy tác giả vô cùng yêu và gắn bó với thiên nhiên. Thi nhân giữ nước ao cho trong để bóng trăng chiếu xuống cho đẹp mà ngắm nhìn. Đây đúng là một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, tinh tế. Ánh trăng có lẽ không chỉ để ngắm nhìn mà với Nguyễn Trãi đó là một người bạn tri âm, tri kỷ. Hơn nữa, ở ngoài vườn, đất đã được vun xới rất thuận lợi cho việc trồng trọt. Vậy qua đây, ta thấy Nguyễn Trãi giống như một người nông dân, làm những việc bình dị để nuôi dưỡng tâm hồn, vun xới, gieo trồng và thưởng thức cái đẹp.
Không chỉ có sống gắn bó với tự nhiên mà thi sĩ còn chọn cho mình lối sống giản dị nhưng thanh cao. Nguyễn Trãi không cầu kì trong việc ăn mặc thường ngày 'Cơm ăn dầu có dưa muối/ Áo mặc nài chi gấm là'. 'Dưa muối' là thức ăn quen thuộc của người nông dân Việt Nam. Đây cũng là thức ăn tác giả chọn để thưởng thức ở chốn quê. Hơn nữa, trang phục thi nhân chọn không phải là áo gấm, lụa là như khi làm quan nữa mà đó là những tấm áo bình dị. Qua đây, ta thấy Nguyễn Trãi sinh hoạt như những người nông dân thôn dã, bình dị chứ không màng công danh phú quý. Khép lại bài thơ là hình ảnh 'Trong khi hứng động vừa đêm khuyết/ Ngâm được câu thần dặng dặng ca'. Dường như, thi nhân đang đong đầy cảm xúc vậy nên những vần thơ như được tự tuôn ra. Lúc này, ngỡ như con người có thể giao hòa cùng thiên, đất trời, vũ trụ.
Qua bài thơ, chúng ta cảm nhận được bức tranh cuộc sống yên bình và tâm hồn của tác gia Nguyễn Trãi. Thi sĩ chọn từ bỏ chốn quan trường mà về bầu bạn với thiên nhiên, sống giản dị nhưng vô cùng thanh cao. Mặc dù 'lánh đục tìm trong' nhưng thi nhân vẫn luôn trăn trở, âu lo cho đất nước. Đó là nỗi lòng của bậc quân tử, một lòng nghĩ cho nhân dân.
Bằng việc sử dụng những hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc Nguyễn Trãi đã mang đến cho chúng ta một bài thơ hay. Qua bài thơ, chúng ta cảm nhận được một tâm hồn thi sĩ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đất nước tha thiết.