Bài 2: Mạc Đĩnh Chi Tiếng Việt lớp 4 Tập 1 – Chân trời sáng tạo
Sinx.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 Bài 2: Mạc Đĩnh Chi sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh so sánh và làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Bài 1 dễ dàng. Mời các bạn đón xem:
Bài 2: Mạc Đĩnh Chi – Tiếng Việt lớp 4
Đọc: Mạc Đĩnh Chi trang 86, 87
* Khởi động
Chia sẻ về một tấm gương hiếu học mà em biết.
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình để trả lời.
Trả lời:
Thầy Nguyễn Ngọc Kí là một tấm gương hiếu học sáng rỡ cho các thế hệ học sinh noi theo. Sau cơn bạo bệnh vào năm 4 tuổi, thầy đã bị liệt cả hai tay. Tuy nhiên, điều đó chẳng chút nào mai một tinh thần học tập của thầy. Thầy Nguyễn Ngọc Kí đã dùng đôi chân của mình để tập viết. Dần dần, vượt qua bao đau đớn, khó khăn, thầy Kí đã viết được và đến trường học như bao bạn khác. Không những thế, thầy còn học rất giỏi và đạt được những thành tích cao, trở thành một nhà giáo tuyệt vời. Thầy Nguyễn Ngọc Kí thực sự là tấm gương sáng cho toàn thể các học sinh noi theo.
* Bài đọc
Mạc Đĩnh Chi
Nhà họ Mạc ở Lũng Động sinh được một người con trai, đặt tên là Mạc Đĩnh Chi. Cậu bé càng lớn càng thông minh, lại rất chăm chỉ học hành và có tài ứng đối mau lẹ.
Năm đó, Mạc Đĩnh Chi về kinh dự thi và đỗ đầu. Khi vào chầu, vua thấy dung mạo của ông không đẹp nên muốn thử tài một lần nữa. Nhà vua ướm hỏi ông về những điều cần có của một người thi đỗ. Mạc Đĩnh Chi tâu vua xin được trả lời bằng giấy bút. Giây lát sau, ông dâng vua một bài phú có nhan đề “Bông sen trong giếng ngọc” để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình.
Chữ Mạc Đĩnh Chi rất đẹp, bài phú lại hay, phô bày vẻ đẹp, hương thơm của bông sen trong giếng nước. Nhờ bông hoa mà giếng trở thành giếng quý.
Xem xong bài phú, vua Trần Anh Tông quyết định chọn Mạc Đĩnh Chi làm trạng nguyên của khoa thi ấy.
Với lòng yêu nước, thương dân, Mạc Đĩnh Chi đã làm được nhiều việc lớn cho đất nước.
Câu hỏi 1 trang 87 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Cậu bé Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất gì?
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời.
Trả lời:
Cậu bé Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất: thông minh, chăm chỉ, có tài ứng đối mau lẹ.
Câu hỏi 2 trang 87 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Nhà vua thử tài Mạc Đĩnh Chi bằng cách nào? Cách Mạc Đĩnh Chi trả lời nhà vua có gì đặc biệt?
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
Nhà vua thử tài Mạc Đĩnh Chi bằng cách ướm hỏi ông về những điều cần có của một người thi đỗ.
Cách Mạc Đĩnh Chi trả lời nhà vua đặc biệt ở chỗ ông xin được trả lời bằng giấy bút. Giây lát sau, ông dâng vua bài phú có nhan đề 'Bông sen trong giếng ngọc' để tỏ roc chí hướng và tài năng của mình.
Câu hỏi 3 trang 87 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Theo em, nhờ đâu Mạc Đĩnh Chi làm được nhiều việc có ích cho đất nước?
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Mạc Đĩnh Chi làm được nhiều việc có ích cho đất nước là nhờ vào lòng yêu nước, thương dân của ông.
Câu hỏi 4 trang 87 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về nhân vật Mạc Đĩnh Chi
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.
Trả lời:
Mạc Đĩnh Chi là người thông minh, chăm chỉ. Người có đức, có tài hết lòng vì đất nước nên luôn được nể trọng và ngưỡng mộ. Tuy ngoại hình xấu xí hay hoàn cảnh gia đình không khá giả nhưng ông vẫn luôn chăm chỉ học tập. Em rất ngưỡng mộ ý chí, nghị lực cũng như tài năng của ông.
Qua câu chuyện trên em học được bài học về sự cố gắng trong học tập và rèn luyện. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp sức cho gia đình và đất nước.
Nói và nghe: Nói về một anh hùng hoặc một tài năng nhỏ tuổi trang 87, 88
Đề bài
Nói về một anh hùng hoặc tài năng nhỏ tuổi
Đề bài: Nói về một anh hùng hoặc một tài năng nhỏ tuổi mà em biết.
1. Em cần nói những gì về nhân vật?
Nói về một anh hùng hoặc một tài năng nhỏ tuổi mà em biết.
b. Nói về lòng dũng cảm hoặc tài năng của nhân vật.
(dũng cảm khi làm nhiệm vụ liên lạc/ có tài bơi lặn/...)
c. Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của em về nhân vật.
2. Em có thể làm cách nào để bài nói thêm sinh động, hấp dẫn?
Lời giải:
Phương pháp giải
Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
1.
a. Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà), Hà Quảng, Cao Bằng
b. Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).
Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng.
Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.
Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.
Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.
Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.
Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi.
Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành.
c. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.
Viết: Luyện tập viết đoạn văn cho bài văn thuật lại một sự việc trang 88
Đề bài: Thuật lại một sự việc trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của trường để lại cho em nhiều ấn tượng.
Câu hỏi 1 trang 88 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Dựa vào dàn ý đã lập ở trang 85 (Tiếng Việt 4, tập một), viết phần thân bài hoặc một đoạn văn ở phần thân bài
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Sáng hôm ấy, chúng em ai cũng đến trường thật sớm với tâm trạng hào hứng và phấn khởi. Đến nơi, ai cũng bất ngờ bởi vẻ đẹp của ngôi trường. Những dãy cờ đỏ tươi dẫn đến sân khấu chính giữa. Ở đó, một tấm bạt lớn in dòng chữ Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 được in thật to và nổi bật. Xung quanh là rất nhiều những lẵng hoa tươi thắm. Trên sân, ngoài các thầy cô và học sinh, thì có rất nhiều cựu học sinh trở về thăm thầy cô giáo cũ của mình.
Đúng 8 giờ sáng, sự kiện chính thức bắt đầu. Chúng em ngồi thành từng hành dọc thẳng phía dưới sân khấu. Còn hai bên thì là các thầy cô và khách mời của sự kiện. Mở đầu là lời chào và chúc mừng sự kiện của thầy hiệu trưởng. Sau đó, từng thầy cô, đại diện hội phụ huynh, đại diện nhóm cựu học sinh và học sinh các khối lần lượt lên phát biểu. Ai cũng rưng rưng xúc động khi được nói lời tri ân sâu sắc đến người cha, người mẹ thứ hai của mình. Cùng với đó, là những tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn do các thầy cô và chúng em biểu diễn. Tiết mục nào cũng hay và ý nghĩa, nhưng nổi bật nhất là tiết mục múa hát Người giáo viên nhân dân của thầy cô ở cuối chương trình.
Câu hỏi 2 trang 88 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc lại phần thân bài hoặc đoạn văn em vừa viết và cho biết:
a. Câu đầu tiên của đoạn văn nêu ý gì?
b. Các câu tiếp theo thuật những việc gì?
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em đọc bài để trả lời câu hỏi.
Trả lời:
a. Câu đầu tiên giới thiệu ngắn gọn về sự kiện được thuật lại.
b. Các câu tiếp theo tóm tắt diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian:
- Những nhân vật tham gia
- Các hoạt động chính trong sự kiện, đặc điểm, diễn biến của từng hoạt động
- Hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất
Câu hỏi 3 trang 88 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc phần thân bài hoặc đoạn văn của các bạn trong nhóm và chia sẻ:
a. Em thích điều gì ở phần thân bài hoặc đoạn văn của bạn?
b. Em muốn chỉnh sửa hoặc viết thêm điều gì vào đoạn văn đã viết?
Lời giải:
Học sinh tự làm bài
* Vận dụng
Câu hỏi 1 trang 88 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Sưu tầm một câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết để hoàn thành bài tập.
Trả lời:
Câu chuyện: Đèn đom đóm
Chuyện kể rằng, có cậu bé tên Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo nhưng rất ham học. Nhà nghèo nên cậu không thể đến lớp như bè bạn mà chỉ đứng ngoài lớp, nghe thầy giảng bài. Đêm đến, không có đèn thắp sáng, cậu phải bắt đom đóm cho vào vỏ quả trứng lấy ánh sáng học bài. Chính lòng say mê ham học ấy, sau này cậu đã đỗ trạng nguyên, học vị cao nhất thời bấy giờ. Mạc Đĩnh Chi đã trở thành tấm gương vượt khó học giỏi và câu chuyện này đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Câu hỏi 2 trang 88 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Chia sẻ những điều em biết thêm về Mạc Đĩnh Chi qua câu chuyện
Lời giải:
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Những suy nghĩ của em về nhân vật Mạc Đĩnh Chi là: Mạc Đĩnh Chi là người thông minh, chăm chỉ. Người có đức, có tài hết lòng vì đất nước nên luôn được nể trọng và ngưỡng mộ. Tuy ngoại hình xấu xí hay hoàn cảnh gia đình không khá giả nhưng ông vẫn luôn chăm chỉ học tập. Em rất ngưỡng mộ ý chí, nghị lực cũng như tài năng của ông.
Qua câu chuyện trên em học được bài học về sự cố gắng trong học tập và rèn luyện. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp sức cho gia đình và đất nước.