Tác giả tác phẩm Em bé thông minh (Chân trời sáng tạo 2024) Ngữ văn 6 chi tiết nhất

Tác giả tác phẩm Em bé thông minh Ngữ văn lớp 6 sách Chân trời sáng tạo đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 74 lượt xem


Tác giả tác phẩm: Em bé thông minh - Ngữ văn 6

I. Đọc tác phẩm Em bé thông minh

Phân tích nhân vật em bé thông minh - Văn 6 (7 mẫu)

 

Ngày xưa có một ông vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu cũng đưa ra những câu đố oái oăm để hút mọi người, nhưng tuy mất nhiều công mà chưa thấy có người nào thật lỗi lạc.

Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi:

- Này ông lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?

Người cha đứng ngẩn ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:

- Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.

Viên quan nghe hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Ông thầm nghĩ bụng nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu nữa mất công. Quan bèn hỏi tên họ làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.

Nghe nói, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng để biết đích xác hơn nữa, vua bèn sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp vài ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.

Khi dân làng nhận được lệnh vua ai ấy đều tưng hửng và lo lắng, không thể hiểu thế là thế nào. Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn tán, vẫn không nghĩ ra được cách gì giải quyết cả. Từ trên xuống dưới mọi người đều coi là một tai vạ. Việc đến tai em bé con người thợ cày. Em liền bảo cha:

- Chả mấy khi được lộc vua ban, bố cứ thưa với làng ngả thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một trận cho sướng miệng. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho bố con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.

- Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Mày đừng có làm dại mà bay đầu đi đó con ạ!

Nhưng đứa con quả quyết:

- Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi.

Người cha vội ra đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén.

Sau đó mấy hôm, hai cha con khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, con bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì nhân lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu vào phán hỏi: - 'Thằng bé kia mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?'. - 'Tâu đức vua - em bé vờ vĩnh đáp - mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ'.

Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán:

- Mày muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố mày, chứ bố mày là giống đực làm sao mà đẻ được!

Em bé bỗng tươi tỉnh:

- Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!

Vua cười bảo:

- Ta thử đấy thôi mà? Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra ngả thịt mà ăn với nhau à?

- Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.

Vua và đình thần chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc[1], nhưng vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ và lệnh chỉ bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé bảo cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

- Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.

Lập tức vua cho gọi cả cha con vào ban thưởng rất hậu.

*

Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi của nhà vua. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ mới sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.

Sau khi nghe sứ thần trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan đưa mắt nhìn nhau. Không trả lời được câu đố oái oăm ấy tức là tỏ ra thua kém và phải thừa nhận sự lép vế của mình đối với nước láng giềng. Các đại thần đều vò đầu suy nghĩ. Có người dùng miệng hút mong cho sợi chỉ lọt qua, có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu. v.v... nhưng tất cả mọi cách đều vô hiệu. Bao nhiêu các ông trạng, các nhà thông thái triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành tìm cách mời sứ thần tạm nghỉ ở công quán để có thì giờ đi hỏi ý kiến em bé thông minh ngày nọ.

Một viên quan mang dụ chỉ của vua đến nhà em bé vào lúc em còn đùa nghịch ở sau nhà. Nghe quan trình bày ngọn ngành câu đố của sứ giả ngoại quốc, em bé không đáp, chỉ hát lên một câu:

Tang tính tang! Tính tình tang!

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng,

Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Tang tình tang...

Rồi bảo: - Không cần tôi phải về triều làm gì. Cứ theo cách đó là xâu được ngay!'.

Viên quan sung sướng lật đật trở về tâu vua. Vua và các triều thần nghe nói như mở cờ trong bụng. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt kính phục của sứ giả nước láng giềng.

Rồi đó, vua phong cho em bé làm trạng nguyên. Vua sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở để tiện hỏi han[2].

KHẢO DỊ

Trong truyện Trạng Quỳnh của ta cũng có đoạn kể chuyện nuôi dê đực chửa và việc Trạng Quỳnh đối đáp với vua Lê y như đoạn đầu của truyện Em bé thông minh[3]. Truyện Thơ-mênh Chây của người Khơ-me (Khmer) cũng có một vài chi tiết tương tự, như đoạn vua bắt dọn ba mâm cỗ với một con chim.

Loại truyện có chủ đề em bé thông minh cũng là loại truyện phổ biến của một số đông dân tộc. Dưới đây, kể sơ lược vài truyện tiêu biểu:

Một là truyện Trạng của đồng bào Cham-pa:

Một ông vua chỉ sinh có một nàng công chúa, ra lệnh cho các quan đi tìm người tài giỏi để kén làm phò mã. Cũng như truyện của ta, gặp một người cày ruộng, quan hỏi: - 'Từ sáng tới giờ được bao nhiêu đường cày?'. Người ấy không trả lời được bị quan đánh, rồi đi. Con người cày ruộng biết chuyện vội đuổi theo quan, hỏt vặn lại: - 'Từ lúc ra đi đến nay các quan đã qua bao nhiêu làng, bao nhiêu cánh đồng và gặp bao nhiêu người?', - 'Ngựa quan phi được bao nhiêu nước đại, nước tiểu?'. Các quan không không trả lời được, bị em bé đánh trả.

Các quan về tâu vua, vua sai bắt em ấy phải nộp một sợi dây bằng tro dài 20 sải, 'nếu không có thì chém ba họ'. Em bé bảo mẹ bện rơm thành dây khoanh vào chum cho thò hai đầu dây ra ngoài đốt cháy tất cả rồi mang đến cho vua. Vua lại sai đưa một con chim én cho em, bảo dọn mười món khác nhau mỗi món một đĩa. Em bé bảo mẹ đưa tới cho vua một cái kim nhỏ nhờ đánh cho một cây dao làm thịt chim.

Vua phục tài nhưng còn thử nữa. Từ đây trở xuống truyện khác với truyện của ta. Ví dụ vua bảo làm một bánh biết nói. Em bé bèn nằm khoanh trên mâm, úp lồng bàn lại ngoài dán giấy, bảo mẹ bưng lên cho vua. Hay là vua đố: - 'Gai cam không ai vót mà sao lại nhọn?'. Em bé hỏi lại. - 'Cây chuối không ai bào mà sao lại trơn?'. Tiếp đó vua bắt một con chim bỏ vào tay hỏi: - 'Đố ngươi, ta muốn nắm con chim hay là thả?'. Em chạy đến ngưỡng cửa, hỏi lại: - 'Đố bệ hạ tôi muốn vào hay ra?'. Vua ép lấy công chúa nhưng em không lấy, phải thả cho về.

Phần cuối, ngoài những lời đối đáp mưu trí khác của Trạng chọi lại những cuộc đố của vua và đại thần còn có việc Trạng đi tìm vợ. v.v... Trong phần này có chỗ giống với truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại, như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu và truyện Người đàn bà bị vu oan (xem Khảo dị truyện số 47 và 109)

Người Nùng cũng có một truyện Chiếc áo lông chim giống với cả hai truyện Ai mua hành tôi và Em bé thông minh của ta. Ở đây thông minh không phải là một em bé mà là người vợ đẹp của một anh nông dân. Anh có bức chân dung của vợ hàng ngày mang đi theo để ngắm. Một hôm bức chân dung bị gió bay mất, một tên chúa nhặt được đưa lên cho vua. Cả triều đình họp nhau để bàn cách chiếm lấy người đàn bà đẹp vẽ trong đó. Vua phái quan hỏi anh nông dân đang cày: - 'Cày được bao nhiêu luống, không trả lời được thì phải nộp vợ, v.v...'. Vợ anh gà cho anh hỏi lại quan. - 'Ngựa ông chạy được bao nhiêu bước?'. Vua lại ra lệnh phải sơn đen ba quả đồi. Vợ anh bảo anh đốt cháy trụi cây cối ba quả đồi đó. Vua lại ra lệnh xe một sợi dây bằng kiến. Vợ anh bảo bôi mật cho kiến bâu đầy dây. Vua lại ra lệnh bện một sợi dây thừng bằng tro. Vợ anh lấy giẻ bện giây đặt lên đá rồi đốt cháy.

Vua không đố nữa, sai lính bắt cóc người đàn bà về cung. Từ đây truyện chuyển hướng. Trước khi đi, vợ giao cho chồng lúa và táo tiên dặn trỉa lúa và trồng táo. Khi nào thu hoạch lúa đem cho chim ăn rồi xin mỗi con một cái lông làm thành một cái áo rồi gánh táo đi bán. Chồng làm theo lời, mặc áo lông chim và gánh táo đến cung vua. Người đàn bà đang câm bỗng nói được vì nghe tiếng rao của chồng. Vua cho gọi vào, và nghe lời người bán táo, vua đổi áo mình lấy cái áo lông chim mặc vào định bụng làm cho người đàn bà vui cười nhưng chó dữ trong cung tưởng ai lạ xông ra cắn chết[4].

Người Tày cũng kể như trên nhưng có thêm một đoạn đầu có mô-típ giống với truyện Tú Uyên (số 118, tập III).

Một anh chàng nhà nghèo thường đi làm thuê kiếm ăn. Anh có con chó khôn đi theo chủ khi làm việc. Một hôm chó bới ở bụi, anh tới nhìn thấy một quả trứng lạ, bèn đem về bỏ vào chĩnh. Từ đấy mỗi khi đi làm về lại thấy có cơm canh sẵn sàng. Một hôm lén về rình, anh bắt gặp một cô gái từ quả trứng chui ra làm công việc nội trợ. Anh ném vỡ chĩnh và trứng làm cho cô gái không có chỗ biến hình. Cô gái từ đấy là vợ anh, sau khi cho cô nuốt đũa cả và đũa con để làm xương, v.v... gọi là nàng Kháy (Kháy = trứng). Thấy vợ đẹp, anh cũng bỏ công ăn việc làm, vợ phải vẽ chân dung như truyện trên.

Về đoạn kết, ở đây vợ ra đi giao cho anh không phải táo mà là hạt giống cam và cũng dặn làm áo lông chim lông thú rồi gánh cam đến cung vua. Anh làm theo. Con chó theo anh và nhờ có chó anh mới vượt được sông rộng. Nhưng khi đến bờ bên kia thì chó tắt thở vì mệt quá. Lại đến lượt một đàn ong từ miệng chó bay ra đưa anh đi. Nhờ có ong báo tin, nàng Kháy biết chồng tới, từ đấy mới mở miệng nói cười. Trước đó vua đã cho nàng một thanh gươm và cho phép được giết ai tùy ý; khi vua thay đổi áo mũ cho người bán cam thì lập tức nàng Kháy ra lệnh chém chết.

Người Tày còn có truyện Lai lịch ông Sấm:

Xưa có một người đàn bà đẻ ra một người con trai không tay chân, toan bỏ cho chết, nhưng người làng bảo cứ nuôi. Đứa bé rất thông minh. Một hôm bố đi bừa về bảo con: - 'Có một vị thần hỏi mỗi ngày bừa được bao nhiêu đường, bố không biết làm sao mà trả lời' - 'Ông ta còn đấy nữa không?', con hỏi - 'Đi rồi' - 'Nếu có đến hỏi nữa thì gọi con ngay'. Mai thần lại đến hỏi như trước. Hôm sau nữa, bố mang con theo, thần lại đến hỏi, con đáp: - 'Tôi hỏi ông thế này nếu ông trả lời được thì tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông: Tại sao trời không cho tôi làm đất, đá, cỏ, cây, mà lại bắt làm một người không tay không chân, thế thì tôi làm sao mà sống? Ai nuôi tôi?'. Thần ta không trả lời được, bèn bay về kể chuyện ấy với Trời. Trời bảo thần đưa đứa bé lên xem.

Đến nơi, Trời sai lấy khuôn dân bỏ dứa bé vào đúc, khi tháo khuôn thì thiếu mất chân. Lại bỏ vào khuôn quan thì thấy mất đầu. Lại bỏ vào khuôn vua thì thiếu tay. Trời bực mình bảo mang loại khuôn riêng của Trời ra đúc. Lần này thì thành công nhưng đứa bé bây giờ lại có quyền phép như Trời. Nó mới đuổi Trời đi chiếm lấy ngai vàng. Từ độ ấy, ông Trời cũ phiêu bạt đó đây.

Nhưng ông Trời mới vụng về không biết cách cai quản trần gian, nên mưa nắng nóng rét không phải thì, làm cho hạ giới mất mùa. Trời cũ thấy vậy giận, giẫm chân quát: - 'Cái thằng không tay không chân không biếtt cách cai quản làm tội dân!'. Mỗi lần như thế hạ giới thấy có đá rơi và có tiếng sấm sét. Từ đó mới có ông Sấm[5].

Hai là truyện của đồng bào Ba-na (Bahnar) nhan đề là Vua Rơ, anh Hơ-rít và con thỏ. Vua Rơ thấy con bò cái nhà Hơ-rít đẻ được một con bê rất đẹp, mới manh tâm chiếm đoạt. Vua bắt lấy bê bảo là do bò đực của mình đẻ ra. Thỏ giúp Hơ-rít lấy lại bê, bèn kiếm mủ cây 'rơ nghiêng' bôi vào áo rồi đến nhà vua Rơ, nói 'cha tôi mới đẻ em bé tối hôm qua thành ra mất ngủ'. Thấy vua Rơ nói trên đời không thể có giống đực đẻ được, thỏ mới vặn lại: - 'Sao bò đực nhà vua lại đẻ được bê?'. Vua Rơ cứng họng phải trả bê cho Hơ-rít, nhưng hắn bắt Hơ-rít mang chó đến đấu với chó mình, nếu thua thì phải làm tội. Chó vua Rơ chết. Lại bảo mang lợn đến đấu, lợn vua Rơ cũng chết. Đến lượt bò cũng thế. Vun Rơ tức giận bắt voi mình ra đấu với bò. Bò chết nhưng voi cũng không sống được. Trước khi chết, bò bảo chủ đem một nửa xác của mình bỏ xuống nước, một nửa bỏ lên núi và sau đó cả hai nửa con bò đã giúp Hơ-rít thoát những nạn do vua Rơ bày ra như: một mình phải ăn hết cả thịt voi, chặt cây 15 hòn núi, trỉa giống trên núi đá, v.v... Lần cuối cùng Hơ-rít phải làm một cái nhà trên mặt nước. Cá nghe lời bò giúp Hơ-rít làm một cái nhà rất lạ bằng tất cả giống thủy tộc kết lại mà thành. Vua Rơ thích quá ra đấy ở, nhưng đến khi nấu ăn loài thủy tộc sợ nóng nhảy xuống nước cả. Vua Rơ chết đuối, tài sản thuộc về Hơ-rít[6].

Ba là truyện của người Nga: Một người em nghèo có con ngựa cái vừa đẻ được một con. Con ngựa con chui sang nằm ở gầm cỗ xe của người anh. Sáng dậy người anh chiếm lấy, bảo là do xe mình đẻ ra. Kiện nhau lên quan. anh vì giàu có nên được kiện. Vụ kiện đưa lên vua, vua ra bốn câu đố. Câu trả lời của người em do con gái lên bảy tuổi gà hộ, được vua chú ý. Vua lại đố em bé nhiều câu oái oăm nữa, trong đó có lần giao cho 150 quả trứng bắt phải ấp trong một đêm nở con đem nộp. Cha nghe lời con luộc ăn tất cả rồi vào xin vua một thứ kể từ khi gieo đến khi có quả chỉ trong một ngày, để nuôi gà.

Vua chịu thua. Cuối cùng trước mặt vua, em bé gái nói cha mình làm nghề đánh cá trên mặt đất khô. Thấy vua ngạc nhiên 'vì xưa nay chưa từng có cá sống trên đất bao giờ', em bé gái hỏi vặn lại 'xưa nay cũng chưa từng có xe đẻ ra ngựa bao giờ. Vua khen thông minh, bắt người anh trả lại ngựa và ban thưởng cho cha con em bé[7].

II. Tác phẩm Em bé thông minh

1. Thể loại

Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Qua đó thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng tốt đẹp.

2. Phương thức biểu đạt

Tự sự, miêu tả.

3. Người kể chuyện

Ngôi thứ ba.

4. Tóm tắt tác phẩm Em bé thông minh

Có ông vua nọ sai viên quan tìm người tài giỏi. Viên quan đi khắp nơi để tìm. Khi qua một cánh đồng thấy hai cha con đang làm ruộng. Viên quan đã ra câu đố trâu một ngày cày được mấy đường. Đứa bé hỏi ngược lại: Ngựa một ngày đi được mấy bước ông ta cứng miệng cho đấy là người có tài viên quan về tâu với Vua. Vua ra câu đố làm cho trâu đực đẻ con, thịt một con chim sẻ dọn ba cỗ thức ăn. Cậu bé giải đố bằng cách: Ba cậu không đẻ, rèn cây dao bằng kim. Vua phục tài ban thưởng cho cậu. Vua láng giềng muốn xâm phạm bờ cõi nước ta sai sứ đem một vỏ ốc đố làm cách nào xâu chỉ qua được. Cậu bé giúp vua giải đố: Lấy con kiến càng cột chỉ vào, thoa mỡ đầu bên kia kiến đánh hơi sang trước sự thán phục của sứ giả. Vua phong em bé làm Trạng Nguyên, xây dinh thự bên hoàng cung để tiện hỏi han.

Em bé thông minh - Ngữ văn lớp 6 - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

5. Bố cục tác phẩm Em bé thông minh (3 phần):

- Phần 1 (Từ đầu đến ...lỗi lạc): Vua sai quan đi khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước.

- Phần 2 (Tiếp theo đến …láng giềng): Sự mưu trí, thông minh của em bé qua các lần thử thách.

- Phần 3 (Còn lại): Em bé trở thành trạng nguyên.

6. Giá trị nội dung tác phẩm Em bé thông minh

- Truyện đề cao trí thông minh, trí khôn dân gian (qua hình thức giải những câu đố và vượt qua những thử thách oái oăm)

- Tạo ra tiếng cười vui vẻ và hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Em bé thông minh

- Là truyện cổ tích kể về nhân vật thông minh, có nhiều tình huống bất ngờ và thú vị.

- Dùng câu đố thử tài, tạo tình huống thử thách nhân vật để bộc lộ tài năng, phẩm chất.

- Cách dẫn dắt sự việc cùng mức độ tăng dần của những câu đố, và cách giải đố tạo tiếng cười hài hước.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Em bé thông minh

1. Hình thức thử tài

- Hình thức: Dùng câu đố để thử tài

- Tác dụng

+ Tạo thử thách để nhân vật bộc lộ tài năng, phẩm chất

+ Tạo tình huống cho cốt truyện phát triển

+ Gây hứng thú, hồi hộp cho người nghe

2. Sự mưu trí, thông minh của em bé qua các lần thử thách

Thử thách

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Đối tượng

Viên quan

Nhà vua

Nhà vua

Sứ thần nước ngoài

Tính chất nghiêm trọng

 

Cả làng phải chịu tội

Liên quan đến vận mệnh quốc gia.

So sánh

Với người cha

Với dân làng

Với nhà vua

Với vua, quan, đại thần, các ông trạng và các nhà thông thái

Nội dung

'Trâu của lão một ngày cày được mấy đường?'

→ Oái oăm, bất ngờ khó trả lời

'Nuôi làm sao để 3 trâu đực đẻ được 9 con?'

→ Oái oăm, phi lí đến mức trái qui luật tự nhiên.

Làm ba cỗ thức ăn bằng một con chim sẻ.

Xâu chỉ qua đường ruột ốc vặn.

Cách giải

Hỏi vặn lại: 'Ngựa của ông một ngày đi được mấy bước?'

Dùng phép “Gậy ông đập lưng ông” làm vua tự nói ra điều phi lý

Hỏi vặn lại: Đưa cây kim nhờ vua rèn thành một con dao.

Câu hát dân gian

Thú vị

Đẩy thế bị động về người ra câu đố (lần 1 + lần 3) và làm cho người ra câu đố thấy cái phi lí (lần 2)

Kinh nghiệm trong đời sống dân gian

IV. Các bài văn mẫu

Truyện cổ tích cậu bé thông minh

Đề bài: Phân tích bài Em bé thông minh

Bài tham khảo 1

Em bé thông minh là câu chuyện cổ tích về kiểu nhân vât thông minh, giải được những câu đố hóc búa bằng sự hài hước, trí thông minh của mình. Truyện mang lại tiếng cười vui vẻ cho người đọc bởi sự hài hước, dí dỏm của chú bé. Đồng thời, qua truyện Em bé thông minh, nhân dân muốn đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian.Trong truyện, cậu bé đã bốn lần vượt qua thử thách. Mỗi thử thách đều mang đến cho người đọc những bất ngờ về cách giải quyết dí dỏm, thông minh của cậu. Lần đầu tiên, sứ giả gặp cậu bé cùng cha mình đang cày ở ruộng. Câu hỏi của sứ giả khiến người cha lo lắng nhưng cậu bé đã khéo léo hóa giải bằng cách hỏi ngược lại: “Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường”. Câu trả lời thông minh và nhanh trí của cậu bé khiến viên quan tin rằng mình đã tìm được người tài cho đất nước. Thử thách thứ hai do vua đặt ra, làm sao cho ba con trâu đực trong một năm phải đẻ ra chín con. Câu đố của vua khiến cả làng lo lắng, bao cuộc họp vẫn không có cách nào giải quyết, mọi người đều coi đó là tai họa. Nhưng cậu bé vẫn điềm tĩnh, bảo dân làng mổ trâu, nấu gạo liên hoan còn mình và cha sẽ vào kinh gặp đức vua. Những tình tiết được dẫn dắt khéo léo đã làm tăng tính hấp dẫn của truyện. Đến hoàng cung, cậu bé đã khóc um lên. Khi được hỏi lí do, cậu bé nói rằng do mẹ mất sớm, cha không chịu đẻ em bé cho mình. Lí do ấy đã tạo ra tiếng cười cho vua và các triều thần nhưng họ không ngờ đã “mắc mưu” cậu bé thông minh. Từ thế bị động, sự thông minh và hài hước đã giúp cậu bé lấy lại thế chủ động, khiến vua rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”, phải chịu thua và thừa nhận thông minh lỗi lạc của chú. Và để chắc chắn hơn nhận định của mình, vua đã quyết thử cậu bé bằng thử thách thứ ba là thịt con chim sẻ làm đủ ba mâm cỗ. Câu trả lời của cậu đưa ra cũng là một thử thách không hề đơn giản cho vua: mài chiếc kim bé thành một con dao. Điều đó khiến phải “phục sát đất” tài trí và không thử thách cậu bé nữa.Ở thử thách cuối cùng, cậu bé không chỉ giải quyết được câu đố mà còn giúp đất nước thoát khỏi cảnh lâm nguy. Câu đố của sứ thần láng giềng là làm sao xâu được sợi chỉ qua vỏ ốc. Trong khi vua quan, đại thần tìm mọi cách nhưng đều không thành và đành đến hỏi ý kiến cậu bé. Câu trả lời được cậu bé thể hiện qua câu hát càng khiến chúng ta thêm thán phục tài trí thông minh hơn người:

Tang tình tang! Tính tình tangBắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưngBên thời lấy giấy mà bưngBên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Truyện Em bé thông minh đã thể hiện sự sáng tạo của nhân dân ta. Trí thông minh của cậu bé được thể hiện xoay quanh cuộc sống đời thường của nhân dân lao động, qua những hình ảnh thân thuộc, gần gũi: con trâu, con ngựa, con chim sẻ, con kiến. Qua đó thể hiệ sự quan sát tinh tế, sự đúc rút kinh nghiệm sống từ thực tế lao động và sản xuất. Truyện không chỉ đề cao trí tuệ của em bé mà còn mang đến tiếng cười sảng khoái, vui vẻ, hài hước cho nhân dân.Truyện cổ tích Em bé thông minh đã đề cao trí thông minh của con người trong cuộc sống hàng ngày. Sự thông minh, nhanh nhẹn sẽ giúp chúng ta vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, nguy cấp. Vì vậy, mỗi học sinh cần rèn luyện, học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội và sống ý nghĩa cho chính bản thân mình.

Bài tham khảo 2

Trong cuộc sống thì sự thông minh luôn luôn thật cần thiết bởi nó giúp cho con người có nhiều giải quyết vấn đề thật dễ dàng mang lại hiệu quả cao. Ở truyện cổ tích “Em bé thông minh” tác giả dân gian cũng đã đề cao của trí tuệ. Hơn nữa khi đọc tác phẩm, độc giả cũng sẽ có được tiếng cười sảng khoái và có thêm được nhiều điều suy ngẫm sau đó.

Câu chuyện “Em bé thông minh” đúng như tên gọi của truyện thì cũng đã kể về sự thông minh của một cậu bé chừng bảy tám tuổi đã thể hiện được trí tuệ cũng như tài năng của mình. Ngay từ lần đầu tiên khi được viên quan hỏi trâu của cha cậu bé cày một ngày được mấy đường? Trong lúc đó người cha còn đang không biết trả lời như thế nào thì cậu bé cũng đã nhanh trí hỏi lại viên quan và hỏi nếu viên quan cho biết ngựa của ngài một ngày đi được mấy bước thì sẽ cho biết trâu của cha mình một ngày cày được mấy đường. Chỉ với lối đối đáp này cũng đã có được một câu trả lời thông minh và vô cùng nhanh nhẹn của cậu bé khiến đã khiến cho viên quan sửng sốt và cậu cũng đã tin chắc rằng mình đã tìm được người tài cho vua bèn hỏi làng xã, quê quán. Khi viên quan về tâu vua thì nhà vua mừng rỡ khi tìm được người tài nhưng ông vẫn tiếp tục những thử thách trí thông minh của cậu bé. Trong lần này thì vua sai cho ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực và ban lệnh cho làng phải nuôi trâu làm sao sang năm phải đẻ được chín con, nếu không thì cả làng phải chịu tội.

Khi nghe lệnh vua ban thì cả làng đang sửng sốt lo lắng không biết giải quyết thế nào khi mọi cuộc họp, mọi cuộc bàn tán đều không thể nào có hướng giải quyết được, căn nguyên là do trên đời này thì trâu đực chẳng bao giờ đẻ được. Bất ngờ là em bé đã mạnh dạn bảo cha nói với làng là lộc vua ban và cứ lấy hai thúng gạo và ngả hai con trâu ra ăn mừng, phần còn lại xin làm lộ phí để lên kinh thành lo chuyện cho dân làng. Dân làng cũng sợ lắm, bắt hai cha con phải làm giấy cam đoan thì mới dám ăn mừng.

Khi hai cha con chú bé lên kinh thành, chú bé lăn lộn trước cổng thành khi cha không đẻ em bé để chơi cùng. Thế rồi được đức vua vừa phán vừa buồn cười và nói với em bé rằng phải cưới vợ cho bố mày thì mới có em, chứ bố mày là giống đực thì sao mà đẻ được? Câu nói của cậu bé khiến cho nhà vua và các quan thần phải bật cười, thế nhưng khi nghe được vua nói câu đó, cậu bé khoái chí lắm, hỏi lại ngay: Vậy thì tạo sao nhà vua lại bắt làng con nuôi ba con trâu đực để đẻ ra thành 9 con trâu? Lúc đó nhà vua mới sửng sốt nhìn cậu bé, cậu bé tiếp lời: Biết là lộc vua ban nên làng con đã ngả trâu ra ăn mừng. Với những lý lẽ mà cậu đưa ra khiến nhà vua không khỏi ngạc nhiên và nể phục. Trí thông minh của cậu bé cũng được vua công nhận và ban thưởng hậu hĩnh.

Tiếp theo là hai cha con cậu bé được vào cung ăn uống rất hậu và vua lại sai sứ thần mang đến một con chim sẻ và đưa ra một thử thách tiếp theo cho chú bé. Thử thách lần này sẽ là làm 3 mâm cỗ bằng một con chim sẻ. Cứ tưởng lần này cậu bé phải chịu thua, nhưng ai ngờ cậu nhanh trí và đưa cho sứ thần chiếc kim khâu quần áo và nói rằng: Mong sứ thần về tâu với nhà vua mài cây kim này thành một con dao để xẻ thịt chim. Câu chuyện về cậu bé thông minh từ đó cứ được người ta nhắc đi nhắc lại vì sự mưu trí, đối đáp thông minh của cậu.

Thêm một thử thách thứ ba, cấp độ thử thách như khó hơn đó chính là sứ giả nước láng giềng đang lăm le nước ta, và để dò xem bên này có nhân tài không họ sai sứ giả của họ đưa sang một con ốc vặn rất dài lại rỗng hai đầu. Câu hỏi hóc búa của sứ giả nước láng giềng chính là làm sao mà phải xâu được sợi chỉ xuyên qua vỏ ốc từ đầu này sang đầu kia. Thực sự đây là một câu hỏi rất khó, trong khi các vua quan đã thử hết cách nhưng cũng không tài nào đưa được sợi chỉ sang bên kia con ốc. Nhớ ra cậu bé thông minh, vua lại sai sứ thần của mình đi hỏi ý kiến của cậu bé xem có cao kiến gì không. Gặp cậu bé cậu cũng nhanh chóng trả lời bằng một bài hát:

Tang tình tang tính tình tang

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng

Bên thời bôi mỡ kiến mừng kiến sang

Một câu hát vô cùng ngắn gọn nhưng trong đó lại chứa được câu trả lời, lúc này đây viên quan vui sướng và về làm theo lời chỉ của cậu bé. Và kết quả là trước bao nhiêu con mắt chứng kiến của các quan cũng như sứ láng giềng thì con kiến đã xâu sợi chỉ qua vỏ ốc vặn đúng như lời cậu bé nói. Thực sự với câu trả lời không chỉ thể hiện rõ sự thông minh hơn người cũng như tài trí của cậu bé. Không những thế thì chuyện còn nói lê sự hài hước, dí dỏm và mang đậm chất dân gian tạo ra một tiếng cười sảng khoái của nhân dân ta.

Với chuyện “Em bé thông minh” mà tác giả dân gian thể hiện cũng thật hay và ý nghĩa. Người đọc đọc truyện sẽ nhận thấy được trí thông minh của em bé xoay quanh cuộc sống đời thường của nhân dân lao động thông qua các hình ảnh thân thuộc. Truyện đề cao trí tuệ của con người và những người có trí thông minh cũng sẽ luôn mang lại một kết quả vô cùng tốt đẹp cho xã hội, gia đình và chính họ.

1 74 lượt xem