Lý thuyết Phép thử nghiệm - Sự kiện (Chân trời sáng tạo 2024) Toán 6
Tóm tắt lý thuyết Toán 6 Bài 1: Phép thử nghiệm - Sự kiện ngắn gọn, chính xác sách Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Toán 6.
Lý thuyết Toán lớp 6 Bài 1: Phép thử nghiệm - Sự kiện
Video giải Toán 6 Bài 1: Phép thử nghiệm - Sự kiện – Chân trời sáng tạo
A. Lý thuyết Phép thử nghiệm - Sự kiện
1. Phép thử nghiệm
Trong các trò chơi (thí nghiệm) tung đồng xu, bốc thăm, gieo xúc xắc, quay xổ số, …, mỗi lần tung đồng xu hay bốc thăm như trên được gọi là một phép thử nghiệm.
Khi thực hiện phép thử nghiệm (trò chơi; thí nghiệm), ta rất khó để dự đoán trước chính xác kết quả của mỗi phép thử nghiệm đó. Tuy nhiên ta có thể liệt kê được tập hợp tất cả các kết quả có thể xảy ra của phép thử nghiệm đó.
Ví dụ 1. Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra của phép thử: Chọn một bạn trong lớp em và xem bạn ấy sinh vào tháng nào trong năm.
Lời giải:
Chọn một bạn trong lớp: một người bất kì đều có tháng sinh là 1 trong 12 tháng trong năm.
Vậy tập hợp tất cả các khả năng có thể xảy ra là {tháng 1; tháng 2; tháng 3; …; tháng 12}.
2. Sự kiện
Khi thực hiện phép thử nghiệm, có những sự kiện chắc chắn xảy ra, có những sự kiện không thể xảy ra và cũng có những sự kiện có thể xảy ra.
Ví dụ 2. Gieo một con xúc xắc sáu mặt và quan sát số chấm xuất hiện ở mặt phía trên thì:
- Sự kiện số chấm nhỏ hơn 7 chắc chắn xảy ra.
- Sự kiện số chấm lớn hơn 7 không thể xảy ra.
- Sự kiện số chấm là số chẵn có thể xảy ra.
B. Bài tập tự luyện
Bài 1. Gieo một con xúc xắc 6 mặt cân đối. Hãy đánh giá xem các sự kiện sau là chắc chắn, không thể hay có thể xảy ra.
a) Mặt xuất hiện có số chấm chia hết cho 5.
b) Mặt xuất hiện có số chấm lớn hơn 7.
c) Mặt xuất hiện có số chấm nhỏ hơn 8.
Lời giải:
Một xúc xắc có 6 mặt tương ứng với các số chấm là 1; 2; 3; 4; 5; 6.
Vậy các khả năng có thể xảy ra là:
Số chấm: 1; 2; 3; 4; 5; 6.
a) Vì trong 6 khả năng trên, mặt có số chấm là 5 thì chia hết cho 5, còn các mặt khác thì không chia hết cho 5.
Vậy sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm chia hết cho 5” là có thể xảy ra.
b) Vì cả 6 khả năng trên thì số chấm đều nhỏ hơn 7 hay số chấm trên mỗi mặt của con xúc xắc không thể lớn hơn 7.
Vậy sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm lớn hơn 7” không thể xảy ra.
c) Vì cả 6 khả năng trên thì số chấm đều nhỏ hơn 8 nên sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm nhỏ hơn 8” chắc chắn xảy ra.
Bài 2. Trong hộp có 1 bóng xanh (X), 1 bóng đỏ (Đ) và 1 bóng trắng (T). Bình lấy ra lần lượt từng bóng, ghi màu quả bóng rồi trả nó lại hộp. Kết quả 8 lần lấy bóng cho ở bảng sau:
Lần lấy thứ |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
Màu bóng |
X |
Đ |
Đ |
T |
X |
T |
Đ |
X |
a) Hãy cho biết kết quả của lần lấy bóng thứ 2 và thứ 6.
b) Hãy cho biết có bao nhiêu kết quả khác nhau có thể xảy ra trong mỗi lần lấy bóng.
Lời giải:
a) Dựa vào bảng trên ta xác định được:
- Lần thứ 2 lấy được bóng màu đỏ.
- Lần thứ 6 lấy được bóng màu trắng.
b) Vì trong hộp có 3 màu bóng: xanh, đỏ, trắng.
Nên có thể xảy ra ba kết quả là: lấy được bóng xanh, lấy được bóng đỏ, lấy được bóng trắng.
Ta có thể viết: Tập hợp các kết quả khi lấy ra 1 bóng từ hộp là {X; Đ; T}.
Bài 3. Minh lấy một chiếc bút từ hộp bút có chứa 2 bút chì, 4 bút bi xanh và 1 bút bi đen.
a) Liệt kê tất cả các kết quả có thể.
b) Sự kiện “Minh lấy được bút bi xanh” có luôn xảy ra không?
Lời giải:
a) Trong hộp bút có ba loại bút: bút chì, bút bi xanh và bút bi đen. Khi Minh lấy một chiếc bút từ hộp bút đó thì có thể rút được một trong ba loại trên.
Vậy các kết quả có thể xảy ra là: Minh lấy được bút chì; Minh lấy được bút bi xanh; Minh lấy được bút bi đen.
b) Theo câu a, các kết quả có thể xảy ra là: Minh lấy được bút chì; Minh lấy được bút bi xanh; Minh lấy được bút bi đen.
Do đó, Minh có thể lấy được bút bi xanh, cũng có thể không lấy được bút bi xanh.
Vậy sự kiện “Minh lấy được bút bi xanh” có thể xảy ra.