Lý thuyết Thu thập và phân loại dữ liệu (Kết nối tri thức 2024) Toán 7
Tóm tắt lý thuyết Toán 7 Bài 17: Thu thập và phân loại dữ liệu ngắn gọn, chính xác sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Toán 7.
Lý thuyết Toán lớp 7 Bài 17: Thu thập và phân loại dữ liệu
Lý thuyết Thu thập và phân loại dữ liệu
1. Thu thập và phân loại dữ liệu
• Dữ liệu được phân loại theo sơ đồ sau:
• Dữ liệu là số còn gọi là dữ liệu định lượng.
Ví dụ: Cân nặng (đơn vị ki-lô-gam) của các thành viên trong gia đình: 72; 43; 47; 51.
• Dữ liệu không là số còn gọi là dữ liệu định tính.
Ví dụ: Vật nuôi yêu thích của các bạn tổ 1: chó, mèo, gà, chuột, chim.
Chú ý:
• Dữ liệu không là số có thể phân thành hai loại:
+ Loại không thể sắp thứ tự (chẳng hạn dữ liệu về tên các nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, …).
+ Loại có thể sắp xếp thứ tự (chẳng hạn dữ liệu về xếp loại học lực của học sinh: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém).
2. Tính đại diện của dữ liệu
• Để có thể đưa ra các kết luận hợp lí, dữ liệu thu được phải đảm bảo tính đại diện cho toàn bộ đối tượng đang được quan tâm.
Ví dụ:
+ Muốn tìm hiểu về mức độ thường xuyên lên thư viện của các bạn học sinh trong trường. Khi đó đối tượng quan tâm là toàn thể học sinh thì không thể chỉ lấy ý kiến của các bạn lên thư viện trường trong một tuần, … mà phải lấy ý kiến của các học sinh ở các lớp được chọn một cách ngẫu nhiên.
Bài tập Thu thập và phân loại dữ liệu
Bài 1. Các dữ liệu thu thập được trong mỗi trường hợp sau có đảm bảo tính đại diện không?
a) Trong một chung cư có 800 hộ gia đình. Để xác định trung bình mỗi hộ gia đình có bao nhiêu bóng điện, một nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu bằng cách đánh số các hộ gia đình từ 1 đến 800 và ghi lại số bóng điện và ghi lại số bóng điện của những hộ gia đình có số thứ tự là: 5; 10; 15; 20; …; 800.
b) Để đánh giá kỹ năng nghe nói tiếng anh của học sinh toàn trường, giáo viên tiếng anh đã cho các bạn trong câu lạc bộ tiếng anh của trường làm bài kiểm tra vấn đáp và ghi lại kết quả.
Hướng dẫn giải
a) Các hộ gia đình được chọn một cách ngẫu nhiên do đó dữ liệu thu thập được đảm bảo tính đại diện.
b) Theo trường hợp này, các học sinh không tham gia câu lạc bộ tiếng anh của trường sẽ không được tham gia kiểm tra vấn đáp nên dữ liệu thu thập chưa đảm bảo được tính đại diện.
Bài 2. Dương phỏng vấn 50 bạn nữ trong trường thì thấy có 35 bạn không thích đá cầu. Dương kết luận rằng: “Đa phần các học sinh thích không thích đá cầu”. Kết luận này có hợp lý không?
Hướng dẫn giải
Kết luận của Dương là không hợp lý. Vì đối tượng phỏng vấn chỉ là các bạn nữ, không đảm bảo được tính đại diện cho toàn bộ học sinh (cả nam và nữ).
Bài 3. Với mỗi câu hỏi sau, hãy xác định xem dữ liệu thu được thuộc loại nào.
a) Bạn có cho rằng tập thể dục buổi sáng là một thói quen tốt?
A. Rất đồng ý
B. Đồng ý
C. Không đồng ý
D. Rất không đồng ý
b) Môn học nào bạn thích nhất?
c) Điểm kiểm tra môn Toán giữa học kì II của bạn là bao nhiêu?
Hướng dẫn giải
a) Dữ liệu thu được là: Rất đồng ý, Đồng ý, Đồng ý, Rất không đồng ý.
Dãy dữ liệu này không phải dãy số liệu, có thể sắp xếp theo thứ tự từ mức đồng ý cao nhất đến thấp nhất (Rất đồng ý, Đồng ý, Khôngđồng ý, Rất không đồng ý) nên đây là dữ liệu không là số, có thể sắp xếp thứ tự.
b) Dữ liệu thu được là: Toán, Văn, Anh, …
Dãy dữ liệu này không phải dãy số liệunên đây là dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.
c) Dữ liệu thu được là: 10; 9; 8; …
Đây là dãy số liệu nên đây là dữ liệu số.
Bài 4. Thắng muốn khảo sát đánh giá của các bạn học sinh trong trường về hiệu quả của việc học online mang lại. Em hãy giúp Thắng lập phiếu hỏi và đưa ra phương án thu thập dữ liệu phù hợp.
Hướng dẫn giải
Phiếu hỏi
Theo bạn, việc học online mang lại hiệu quả như thế nào?
(Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án bạn lựa chọn)
A. Rất tốt
B. Tốt
C. Bình thường
D. Ít hiệu quả
E. Không hiệu quả
Phương án thu thập dữ liệu: Lấy ngẫu nhiên 10 bạn học sinh của mỗi lớp trong trường để phát phiếu hỏi.