Top 35 mẫu Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên

Sinx.edu.vn xin giới thiệu tới các em 35 mẫu Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên giúp các em làm bài văn có nhiều cách phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên đa dạng hơn được điểm tốt trong môn Ngữ văn.

1 79 lượt xem


Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên

I) Dàn ý phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên

Dàn ý phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 1)

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm 'Lặng lẽ Sa Pa.
  • Khái quát sơ lược về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài

a. Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh của nhân vật

  • Anh thanh niên 27 tuổi, sống trên đỉnh núi cao 2600m cùng mây mù và cây cỏ, hằng ngày chống chọi với sự cô đơn.
  • Công việc hằng ngày của anh là 'đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây...', báo ốp đúng giờ.
  • Sống và làm việc trong môi trường và thời tiết khắc nghiệt.

b. Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên

- Là người lao động có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc.

  • Anh thanh niên vẫn làm việc hết mình và tự giác: luôn báo 'ốp' đúng giờ suốt mấy năm ròng rã, không ngần ngại làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
  • Anh hăng say nói về công việc một cách say mê và đầy tự hào và coi đó là lẽ sống.

- Là người có nếp sống văn minh và ngăn nắp.

  • Cách bài trí bình dị nhưng khoa học trong căn nhà nhỏ: 'một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm'.
  • Ngoài công việc, anh còn nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu trí tuệ, mở mang hiểu biết bằng thú vui đọc sách, trồng hoa, nuôi gà.

- Là người chân thành, cởi mở và hiếu khách.

  • Cuộc đối thoại và hành động ân cần của anh đối với bác lái xe
  • Sự vui vẻ, thái độ tiếp đón chu đáo, nồng nhiệt khi bất ngờ có khách ghé thăm.

3. Kết bài

  • Đánh giá ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng nhân vật anh thanh niên.

Dàn ý phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 2)

1. Mở bài

  • Nguyễn Thành Long (1925-1991), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở khai thác tình huống dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình.
  • “Lặng lẽ Sa Pa” sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, in trong tập “Giữa trong xanh” (1972), là một trong những tác phẩm thành công của ông.
  • Truyện viết về anh thanh niên với những vẻ đẹp tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ.

2. Thân bài

a) Một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh bằng những suy nghĩ rấtđẹp, giản dị mà sâu sắc.

  • Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét quanh năm “chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”; công việc đều đặn, gian khổ: rét, mưa tuyết, nửa đêm…; cô đơn, vắng vẻ.
  • Quan niệm sống là cống hiến. Có ý thức về công việc, yêu nghề và thấy được ý nghĩa cao quý trong công việc: yên tâm với nghề khi biết được mình đã góp phần phát hiện kịp thời một đám mây khô nhờ đó “không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng”; suy nghĩ: ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được.

b) Một người thanh niên có những tính cách và phẩm chất đáng mến: hiếu khách,cởi mở và chân tình.

  • Với bác tài xế xe khách: có tình cảm thân thiết: chuyến nào chạy lên, bác đều ghé lại trạm khí tượng để người thanh niên gặp gỡ, trò chuyện; anh tìm và tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe đang bị ốm.
  • Với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ mới gặp lần đầu: hiếu khách, vui mừng, ân cần mời hai người lên nhà; cắt hoa tặng cô gái, dẫn khách đi thăm vườn khí tượng, giới thiệu các loại máy móc, kể công việc hàng ngày của mình, pha trà ngon đãi khách, giãi bày tâm sự tự nhiên, chân thành. Đến khi chia tay, anh xúc động đến nỗi phải quay mặt đi và không dám tiễn khách ra xe dù chưa đến giờ “ốp”, và có lẽ để che giấu cái e ấp, xao xuyến, bâng khuâng của hai người con trai con gái gặp nhau đột ngột, quý mến nhau rồi chia tay nhau ngay, bởi biết là không bao giờ gặp nhau nữa.
  • Khiêm tốn, thành thật: Anh cảm thấy đóng góp của mình là nhỏ bé. Anh nhiệt thành giới thiệu những người khác mà anh thật sự khâm phục: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, người cán bộ nghiên cứu khoa học về sét.

c) Một người thanh niên có đời sống tâm hồn trẻ trung, phong phú và lành mạnh

  • Anh thích giao lưu, gặp gỡ đến mức thèm người.
  • Anh tự tạo ra niềm vui trong sáng, lành mạnh: trồng hoa, đọc sách, chăn nuôi.
  • Anh sống ngăn nắp, gọn gàng với một căn nhà ba gian sạch sẽ, với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách dù chỉ một mình.

3. Kết bài

  • Những vẻ đẹp nói trên của nhân vật anh thanh niên được thể hiện bằng một nghệ thuật xây dựng nhân vật có những nét đặc sắc: tác giả.bộc lộ qua một cuộc gặp gỡ đặc biệt với lời nói, thái độ, hành động; nhân vật không có tên riêng, không có ngoại hình cụ thể mà chỉ có một tên gọi theo kiểu chung, phiếm chỉ.
  • Những nét đẹp của nhân vật anh thanh niên thể hiện vẻ đẹp của người thanh niên Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ: giản dị, chân thành, giàu lý tưởng; góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu; thể hiện cảm hứng của tác giả.

 

Sa Pa ...

II) Các bài văn mẫu phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên

Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 1)

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình ông đã đẻ lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị mà đặc sắc nhất là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” . Đọc tác phẩm ta bắt gặp những con người lao động thầm lặng mà đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước mà tiêu biểu nhất là nhân vật anh thanh niên. Mặc dù phải sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng ở anh thanh niên lại tỏa sáng nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng để chúng ta ngưỡng mộ, học tập.

“Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, in trong tập “Giữa trong xanh” (1972) của Nguyễn Thành Long. Truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn.

Truyện khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Hoàn cảnh sống và làm việc vất vả gian khổ của anh thanh niên được tác giả khắc họa khá rõ ràng. Nguyễn Thành Long rất tinh tế khi miêu tả anh thanh niên, tác giả không để anh tự giới thiệu về mình mà làm nổi bật vẻ đẹp của anh qua cái nhìn của các nhân vật khác. Anh thanh niên 27 tuổi, sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm cây cỏ và mây mù che phủ. Đó là một thế giới cách biệt với cuộc sống của mọi người “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Nơi anh ở rất vắng vẻ, thiếu người qua lại, vắng bạn tâm tình trò chuyện. Bởi thế mà bác lái xe đã gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”.

Anh làm công việc khí tượng kiêm vật lý địa cầu dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Nhiệm vụ cụ thể là “đo gió, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất...” Đây là công việc vô cùng vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, sự tỉ mỉ chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.Với một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết mà lại ở một nơi cô đơn hẻo lánh như vậy, với một công việc nhàm chán thế nhưng anh luôn hoàn thành công việc một cách xuất sắc, vượt qua tất cả khó khăn, thậm chí thức dậy lúc 1 giờ sáng với rét mướt và gió tuyết. Từ đó có thể thấy được anh là con người nhiệt huyết, tràn đầy tinh thần trách nhiệm.

Trước hết, anh là người yêu nghề. Lòng yêu nghề, gắn bó với công việc, sống một mình trên đỉnh núi cao với rừng xanh, mây trắng và bão tuyết nhưng anh vẫn yêu nghề, yêu việc. Lời anh nói với người họa sĩ “Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất ” đã giúp ta nhận thấy điều đó. - Qua lời anh kể và lời bộc bạch này, ta hiểu rằng anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.

Anh luôn ý thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa công việc. Anh luôn tự hào về nghề nghiệp của mình. Anh rất sung sướng vì công việc có ích đã góp phần bắn hạ phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Anh tâm sự “..từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”.Với anh, hạnh phúc là được đóng góp một phần công sức nhỏ bé thầm lặng của mình cho cuộc sống xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại hòa bình cho dân tộc.

Không những yêu nghề mà anh còn có tinh thần trách nhiệm với công việc. Là người thành thạo, am hiểu công việc, nhìn gió hay nhìn trời, nhìn sao anh cũng có thể “nói được mây, tính được gió”. Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó.

Vì anh có trách nhiệm và anh hiểu rõ việc anh làm ở đây có liên quan, có ảnh hưởng đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Việc phái đoàn không quân – phòng không đến thăm và khen ngợi anh đã cho thấy rõ điều đó. Nghĩa là anh quên mình, vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Không những yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc mà anh còn là người yêu đời, biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp. Trong buổi đầu gặp gỡ khi thấy anh thanh niên chạy vội lẻn trước về nhà, ông họa sĩ đã tưởng tượng ra cái cảnh “khách tới nhà bất ngờ chắc cu cậu chưa kịp quét tước, dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn” Nhưng rồi trước mặt ông và cô kĩ sư lại hiện ra một “Căn nhà ba gian” “sạch sẽ”, đồ đạc được kê xếp gọn gàng, ngăn nắp. Một vườn hoa với đầy đủ sắc màu, đủ chủng loại: hoa dơn, hoa cẩm chướng, anh, vàng, tím…Ngoài giờ làm việc anh còn nuôi thêm gà để lấy trứng bổ sung thêm thực phẩm hàng ngày vừa gợi không khí gia đình ấm áp. Ngoài ra anh còn đọc sách, coi sách là bạn. Một chiếc bàn học được kê xếp cẩn thận với một cái giá sách đủ để biết anh chủ động tổ chức, cải thiện cuộc sống “một mình” như thế nào. Tất cả những điều đó cho ta thấy anh tự tìm niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống ở một nơi cô đơn, lạnh lẽo gần bốn năm qua như thế nào.

Sống một mình trên đỉnh cao nên anh được bác lái xe gọi là “Người cô độc nhất thế gian” và mắc bệnh “Thèm người”. Vậy nên anh luôn khao khát được trò chuyện với mọi người bằng cách lấy khúc gỗ chắn ngang đường để chặn xe lại: “Đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chặn ngang đường phải hãm lại một anh thanh niên từ từ chạy đến giúp đỡ” Thì ra anh thèm người quá nên anh thanh niên kiếm cớ để dừng xe lại nhìn và nói chuyện một lát, cái hành động ấy của anh đáng yêu và thật đáng thông cảm biết bao.

Anh còn biết quan tâm chu đáo đến những người tình cờ gặp gỡ và sẵn sàng chia sẻ yêu thương, biết vợ bác lái xe bị ốm “anh còn gửi củ tam thất để cho bác gái ngâm rượu uống”. Hành động ấy cho thấy anh luôn biết quan tâm đến mọi người.

Khi gặp được người thì anh mừng đến mức tất cả cuống cuồng như không kiềm được cảm xúc: “anh chạy vụt đi,cũng tất tả như khi đến”, “người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ”.

Anh là một người thân thiện, cởi mở ngay cả với những người mới gặp lần đầu như ông họa sĩ và cô kĩ sư: Niềm nở, hồ hởi không giấu lòng, pha trà, tặng hoa và cả quà ăn đường. Và không dấu được lòng mình anh nói to những điều đáng nhẽ người ta chỉ nghĩ: “Bác và cô là đoàn khách thứ hai thăm nhà tôi từ tết và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay. Trân trọng từng giây từng phút gặp gỡ: Đếm từng phút vì sợ hết mất ba mươi phút gặp gỡ vô cùng quý báu. Anh thanh niên xứng đáng trở thành biểu tượng cho phẩm chất và con người nơi mảnh đất Sa Pa

Ngoài yêu nghề và biết tự sắp xếp cuộc sống của mình ngăn nắp, gọn gàng anh còn là một người khiêm tốn, có ý thức hoàn thiện bản thân. Khi ông họa sĩ định vẽ chân dung anh thì anh từ chối, giới thiệu người khác xứng đáng hơn “Bác đừng mất công vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa! …Hay là đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới đấy….”. Qua lời tâm sự ấy ta thấy anh là người rất khiêm tốn, bởi anh cảm thấy đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa xứng đáng. Anh nhận thấy xung quanh còn bao nhiêu người đáng vẽ hơn mình, đóng góp nhiều hơn mình. Anh thốt lên “Ông kỹ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá”. Đọc tới đây, ta càng thêm yêu quý anh thanh niên nhiều hơn và anh cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống , thấy cuộc đời đẹp và ý nghĩa hơn khi chứng kiến bao người đang ngày đêm miệt mài, hi sinh và đóng góp cho Tổ quốc.

Trong truyện ngắn này còn xuất hiện một số nhân vật khác đã góp phần làm rõ nét hơn nhân vật chính. Đó là bác lái xe cầu nối khiến người đọc mong chờ gặp anh. Đó là ông họa sĩ với những cảm xúc xúc động, bối rối vì “họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết”. Chính nỗi xúc động và bao điều suy tư của ông họa sĩ đã làm cho chân dung của anh thanh niên sáng đẹp hơn lên và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng. Ông muốn vẽ chân dung anh thanh niên nhưng làm thế nào đặt được chính tấm lòng của mình vào bức tranh đó. Anh thanh niên làm cho ông họa sĩ thêm khao khát, thêm yêu cuộc sống.

Đặc biệt nhất chính là cô kĩ sư trẻ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên khiến cô cảm thấy “bàng hoàng”. Cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh mà anh kể và về con đường cô đang đi tới. Trong lòng cô gái trẻ dạt lên một ấn tượng hàm ơn khó tả.

Anh thanh niên làm cho cô kĩ sư háo hức và mơ mộng. Cô tin tưởng con đường mà mình đã lựa chọn là đúng. Đây chính là thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện mình

Như vậy với tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, nhân vật chính được tái hiện qua nhiều điểm nhìn: bác họa sĩ, cô kĩ sư.., cách đặt tên cho nhân vật bằng các danh từ chung, … Nguyễn Thành Long đã gieo vào lòng người đọc xúc cảm về hình ảnh đẹp của người lao động bình thường mà tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao, đang ngày đêm lặng lẽ âm thầm cống hiến cho đất nước:

“Nếu là con chim chiếc lá
Chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

(Tố Hữu).

Lẽ sống này, lý tưởng này ta còn bắt gặp trong một số tác phẩm cùng thời như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay Mùa lạc của Nguyễn Khải,… Những tác phẩm ấy ra đời ca ngợi những con người đang lạc quan, làm việc hăng say, cống hiến hết mình cho đất nước.

Đã gần nửa thế kỉ trôi qua nhưng đến nay truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm đã cho người đọc cảm nhận rõ nét về chân dung nhân vật anh thanh niên với những nét đẹp hoàn hảo lí tưởng. Nhân vật anh thanh niên tiêu biểu cho những con người lao động ở Sa Pa nói riêng và những con người lao động trong thời đại mới nói chung. Đọc tác phẩm ta càng thêm tự hào, ngưỡng mộ và quý trọng hơn những con người đang lặng lẽ, âm thầm làm việc và cống hiến cho tổ quốc. Hình ảnh anh đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ bạn đọc. Qua câu chuyện về anh thanh niên, về những mảnh đời lặng lẽ tưởng như thầm lặng, Nguyễn Thành Long muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa không chỉ vì bản thân mà còn vì xã hội, đất nước.

Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 2)

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 60 – 70, chỉ chuyên viết về truyện ngắn và kí. “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn nhẹ nhàng có cốt truyện đơn giản nhưng thật thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác quan trắc khí tượng. Nhân vật anh thanh niên chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh về phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà tác giả tập trung thể hiện.

Anh không xuất hiện từ đầu mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát với bác lái xe, ông họa sĩ, cô gái trẻ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Chỉ chốc lát nhưng cũng đủ để các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một kí họa chân dung về anh, rồi dường như anh lại khuất lấp vào giữa mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi rừng Sa Pa.

Anh còn hiện ra qua cái nhìn và sự cảm nhận của các nhân vật khác, đặc biệt là ông họa sĩ già và anh cũng tự bộc lộ qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với mọi người.

Quanh năm suốt tháng, anh sống một mình trên đỉnh núi cao, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo.Tác giả giới thiệu anh qua lời của bác lái xe: “Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất “thèm người”…”Thử thách lớn nhất đối với chàng trai trẻ ấy chính là sự cô độc.Sống đơn độc nơi rừng núi mà làm việc thì không phải là chuyện dễ dàng. Biết bao vất vả, gian lao rình rập, thiếu thốn vật chất..

Hơn nữa lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, tích mây, đo chấn động mặt đất góp phần vào việc dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Gian khổ nhất là vào lúc một giờ sáng, dù mưa gió, tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm việc.

Quả thực, điều kiện sống và làm việc đó là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động. Nhưng anh vẫn vượt qua được. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy? Đó là ý chí, nghị lực, những phẩm chất và sức mạnh bên trong của nhân vật đã giúp anh vượt lên tất cả để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Anh sống gắn bó với sự nghiệp của đất nước, rất có trách nhiệm với cuộc đời. Đất nước có chiến tranh, anh xin ra trận. Không được ra trận, anh làm công tác khí tượng trên núi cao. Không ai có thể bắt buộc anh lên cái nơi “khỉ ho cò gáy” này để làm việc và cống hiến. Trong khi bao nhiêu người sau khi ra trường đã cố chạy chọt tìm bằng được một nơi làm việc giữa thủ đô thì anh đã khoác ba lô vui vẻ vượt suối băng rừng để lên công tác ở nơi này. Anh tự nguyện lên đây không phải do sự bốc đồng nhất thời mà là cả một sự nhận thức chín chắn, đúng đắn, sâu sắc nhất. Anh thanh niên, một cán bộ vật lý kiêm khí tượng địa cầu, đã sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để có thể phát huy tài năng và thực hiện ước mơ của mình. Anh tự đặt và trả lời câu hỏi: “Mình sinh ra là gì? Mình để ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?

Anh có những suy nghĩ rất đẹp về ý nghĩa của cuộc sống, về hạnh phúc trong đời. Với anh hạnh phúc là trong công việc. Khi kể lại thành tích nhờ phát hiện kịp thời đám mây khô, không quân ta đã hạ nhiều máy bay Mĩ ở cầu Hàm Rồng, anh nói: “kể từ hôm đó, cháu sống thật hạnh phúc”.

Anh rất yêu công việc của mình. Đối với anh, công việc là niềm đam mê cháy bỏng, là niềm hạnh phúc lớn nhất. Hơn ai hết, anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là có ích mọi người, nó gắn liền anh với cuộc sống chung của đất nước. Anh tâm sự với ông họa sĩ : “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được ? Huống chi công việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia.Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Dù công việc có vất vả nhưng anh không thể sống thiếu nó.

Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở nhân vật này không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất đối với anh chính là sự cô độc. Đã có những phút anh phải yếu mềm trước cơn “thèm người” đang dâng trào trong huyết quản. Anh đã làm đủ mọi cách để gặp con người, được nghe họ nói, được thấy họ cười, dù chỉ trong một giây phút. Những khuôn mặt chưa bao giờ anh gặp sao bỗng trở nên thân thiết lạ lùng! Nhưng cuối cùng, chàng trai đã vượt qua cơn xúc động để trở về với cuộc sống bình thường.

Thậm chí, mặc dù đã sống một mình trên đỉnh núi cao 2600 mét nhưng anh vẫn ước được làm việc ở đỉnh núi cao hơn nữa : Đỉnh Phan xi Păng cao 3143 mét bởi anh nghĩ : “ Làm công tác khí tượng ở độ cao như thế mới là lý tưởng chứ”.Đó là ước vọng được vươn cao hơn trong công việc để đạt được mục đích tốt đẹp nhất.

Những suy nghĩ đẹp ấy khiến anh thêm yêu cuộc sống và con người xung quanh, “thấy cuộc đời đẹp quá!”, giúp anh có thêm nghị lực để sống một cuộc sống đẹp, đầy ý nghĩa, gắn bó với mọi người dù một mình đơn độc làm việc trên núi cao.

Anh đã đề ra cho mình nhiệm vụ công tác và đã vượt mọi khó khăn thử thách để đạt được kết quả tốt nhất. Chỉ có một mình ở trạm khí tượng trên núi cao nhưng anh tự nguyện, tự giác, yên tâm công tác chưa hề để xảy ra một sơ suất dù nhỏ.

Công việc của anh ở nơi đây thật là vất vả và đơn điệu, phải lặp đi lặp lại những con số nhưng anh không cảm thấy nhàm chán. Thậm chí từng phút, từng giờ anh làm bạn với đủ loại máy móc: “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Và anh đã lập ra một thời gian biểu để thực hiện nó một cách nghiêm ngặt. Đây là lời anh tâm sự với ông hoạ sĩ già: “Gian khổ nhất là lần ghi bão về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn báo bão vặn to đến cỡ nào vẫn không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và im lặng ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới…” Qua lời anh nói ta có thể hình dung được bao nhiêu vất vả, khó khăn mà anh đã chịu đựng.

Điều đáng quý là anh thanh niên nói rất thành thật. Anh là con người, có những phút giây anh cũng ngại khó, ngại khổ nhưng với lòng hăng say trong công tác, người con trai của rừng núi Sa Pa vẫn tự cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, làm việc trong sự tự nguyện, tự giác, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gặt hái những thành quả tốt đẹp. Công việc của anh thật chẳng kém gì nhiệm vụ của các anh chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù vẫn không buồn tẻ. Anh đã dồn tất cả thời gian, tâm sức mình cho nhiệm vụ. Sự say mê công việc đã giúp anh không cảm thấy cô đơn.

Ngoài ra, anh tổ chức cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, phong phú cả vật chất và tinh thần, một cuộc sống chủ động, làm chủ mình và có ích cho đời.

Anh biết sống cho sự nghiệp chung lớn lao và cũng biết sống cho riêng mình. Anh trọng cái đẹp: anh trồng hoa, một vườn hoa đầy màu sắc. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn anh và anh hào phóng tặng cho mọi người. Gian nhà của anh sạch sẽ, gọn gàng. Anh chạy về trước là để pha trà, cắt hoa tặng khách chứ không phải để thu dọn nhà cửa vì khách tới thăm bất ngờ như họa sĩ tưởng. Anh trồng rau, nuôi gà là để tự cung cấp cho mình thức ăn.

Anh còn đọc sách ngoài những giờ làm việc. Sách đã trở thành người bạn thân thiết của anh. Khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh” như cầm được vàng. Anh nói với cô gái: “Cô thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Anh tự lo liệu xoay sở để thường xuyên có sách đọc. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Say mê đọc sách là một thói quen, một đức tính đáng quý ở anh.

Không chỉ say mê công việc, say mê đọc sách , anh thanh niên còn là một con người rất đáng mến ở sự cởi mở,chân thành với mọi người. Anh luôn khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Anh mừng lắm khi gặp được bác tài và càng mừng hơn khi được tiếp bác tài, nhà hoạ sĩ, và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ mới ra trường tại nơi làm việc của anh. Chính anh đã nói to lên đầy tiếc rẻ: «Trời ơi, chỉ còn năm phút». Câu chuyện của anh tuôn ra như suối khi gặp mọi người. Anh «nói to những điều người ta chỉ nghĩ và cũng ít nghĩ». Anh rất hiếu khách: mời khách uống trà, tặng hoa, tặng quà (giỏ trứng) cho khách. Và anh rất lưu luyến với khách khi chia tay. Thái độ vui vẻ, niềm nở, hiếu khách của anh cũng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

Dù vậy, trong cuộc sống, anh là một người rất khiêm tốn, luôn đề cao người khác. Thực tâm, anh thấy công việc và sự đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh luôn say sưa ca ngợi mọi người. Mặc dù ông hoạ sĩ già hết sức khâm phục anh, ông muốn vẽ chân dung của anh, nhưng anh một mực từ chối, anh không muốn vì cảm thấy mình không xứng đáng được hưởng ân huệ ấy. Anh đã kể những người xứng đáng khác. Anh nói thành thực: “những người khác đáng kể, đáng vẽ hơn anh. Một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phăng -xi -păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa!… Hay là bác vẽ đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu…” Và anh say sưa kể về thành tích của những người ấy. Đức tính khiêm tốn ấy của anh đã làm cho ông hoạ sĩ, bác lái xe và cô gái hết sức yêu mến và khâm phục.

Đó là hình ảnh những con người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lý tưởng, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư, lặng thầm, cống hiến hết mình cho đất nước, say mê, miệt mài, khẩn trương làm việc.

Họ có tấm lòng nhân hậu thật đáng quý, có tác phong sống thật đẹp. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp biết bao.

Thế đấy, trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc. Người cán bộ trẻ ấy được Nguyễn Thành Long xây dựng khá sắc nét với những đặc điểm, suy nghĩ, hành động tích cực, một mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Những trang viết của Nguyễn Thành Long khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước. Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng em nhiều tình cảm, thôi thúc em muốn cống hiến, muốn làm gì đó có ích cho xã hội như như một nhà thơ đã nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 3)

Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất thơ và xây dựng được hình tượng nhân vật đẹp. Truyện được viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của nhà văn Nguyễn Thành Long, có thể coi đây là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của ông. Truyện với những nhân vật không tên mà tiêu biểu là anh thanh niên trẻ cán bộ khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Nhà văn muốn giới thiệu với bạn đọc một điển hình trong công cuộc lao động xây dựng đất nước ở miền Bắc trên vùng cao khuất nẻo này.

Trước khi xuất hiện nhân vật chính, nhà văn đã giới thiệu cho người đọc một vùng đất đầy ấn tượng. Phong cảnh Sa Pa núi cao với thác đổ trắng xóa, đường núi quanh co, cây cối chen nhau hiện dần mỗi lúc một hấp dẫn. Nhân vật được khắc họa rõ nét dần dần, cảnh thơ mộng, con người mộng mơ, tất cả từ bác lái xe đến ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ… dường như trên chuyến xe ấy, mọi người đang đi tìm một điều giản dị nhưng thật quý giá, thiêng liêng. Vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa đã làm nền cho vẻ đẹp của con người Sa Pa – những con người làm công việc nghiên cứu khoa học trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người, trong đó có anh thanh niên cán bộ khí tượng kiêm vật lí địa cầu.

Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa là một người lao động bình thường, anh không phải là người đặc biệt anh như bao người khác, anh được giới thiệu: “hai bảy tuổi tầm vóc nhỏ bé, khuôn mặt rạng rỡ” anh cũng như các nhân vật trong truyện đều có không có tên riêng. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã mấy năm nay anh “sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”.

Anh cô độc đến thèm người và luôn nhớ người, bởi anh sinh ra có gia đình, cha mẹ, quê hương, làm sao không thèm, không nhớ? Nỗi nhớ khiến anh phải chặt cây chắn đường để được gặp người. Anh đã làm quen được với bác lái xe từ đó. Lần này qua bác lái xe, anh lại được làm quen với ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, niềm vui ấy càng tiếp thêm cho anh tình yêu cuộc sống hơn bao giờ hết.

Công việc mỗi ngày của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất” nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

Hàng ngày, anh phải báo ốp về nhà vào các giờ 01 giờ sáng, 04 giờ, 11 giờ trưa. 19 giờ tối. Gian khổ nhất là lúc 01 giờ sáng rét, mưa, tuyết rơi, đang nằm trong chăn ấm phải chui ra khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo Ốp, chỉ muốn thò tay ra tắt ngay đi nhưng công việc chính xác đến không thể, đòi hỏi ý chí, tinh thần cao. Anh vùng dậy, xách đèn đi, gió, bão tuyết ào ào xô tới tấn công như chặt từng khúc, như muốn quét đi, bứt phá lung tung tất cả… xong việc, trở về không làm sao ngủ lại được.

Công việc thật gian khổ, vất vả nhưng anh vẫn yêu nó, làm việc hết mình và chính xác. Có lần anh đã phát hiện ra một đám mây khô nên không quân ta đã tiêu diệt được nhiều phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Anh thấy mình thật hạnh phúc. Chính lòng say mê công việc mà anh đã vượt qua nỗi cô đơn. buồn chán của bản thân. Anh tâm sự với ông họa sĩ về công việc của mình, có lẽ đây là những suy nghĩ chân thành và sâu sắc nhất của anh:

“Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới, thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi, công việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”…

Đọc những lời tâm sự này, ta càng thấy đó là suy nghĩ và lối sống cao đẹp của anh, ta càng thấy mến yêu, quý trọng những con người như thế, biết làm chủ bản thân, ý thức sâu sắc được mục đích làm việc. Anh quả là con người mới, tiêu biểu cho lớp thanh niên:

“Đâu cần thanh niên có
Đâu khó có thanh niên”

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

(Hồ Chí Minh).

Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách,thỉnh thoảng anh xuống đường tìm gặp bác lại xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sống trong hoàn cảnh như thế sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “ thèm người ”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo.

Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách, nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh, toát lên qua nét mặt, cử chỉ:

Với bác lái xe dường như đã trở thành người bạn thân tình, anh chu đáo nhớ cả việc vợ bác mới ốm dậy, gửi củ tam thất về làm quà cho bác, mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ. Với những người bạn mới như ông họa sĩ, cô gái trẻ, anh vui mừng đến luống cuống, hồ hởi khi biết họ sẽ lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Anh hồn nhiên kể về công việc, đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa Pa lặng lẽ. Khó người đọc nào có thể quên, việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm 'nhà' là hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết. Bó hoa cho cô gái, nước chè cho ông hoạ sỹ già, làm trứng ăn đường cho hai bác cháu…Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý, lãng mạn mà còn là kỷ niệm của một tấm lòng sốt sắng, tận tình đáng quý .

Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình: “Không, không, bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn.” Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn, to hơn. Đó là “người cán bộ nghiên cứu sét, 11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”… Dù còn trẻ tuổi, anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa, thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước .

Chỉ bằng vài nét phác họa nhẹ nhàng, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh anh thanh niên – bức chân dung với những vẻ đẹp về tinh thần, tình cảm, lối sống, những suy nghĩ về lí tưởng, công việc của anh. Thật đáng tiếc! Chính tác giả cũng đã nhận xét truyện ngắn này là “một bức chân dung” – chân dung được hiện lên ở một số nét đẹp, nhưng chưa được xây dựng thành một tính cách hoàn chỉnh và hầu như chưa có cá tính.

Nhân vật anh thanh niên để lại ấn tượng sâu đậm là nhờ cách xây dựng nhân vật rất thành công của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên là nhân viên chính nhưng tác giả không để cho nhân vật chính xuất hiện từ đầu truyện mà tạo một nền cảnh và gợi trí tò mò cho độc giả khi nhân vật này xuất hiện. Đặc biệt tác giả rất thành công trong việc dùng nhân vật phụ để làm tôn lên vẻ đẹp của nhân vật chính. Thông qua cảm xúc suy nghĩ của các nhân vật như ông họa sĩ cô kỹ sư, bác lái xe, hình ảnh anh thanh niên hiện lên càng cao đẹp hơn, đáng mến hơn. Họ đều không có tên cụ thể mà gọi theo lứa tuổi, nghề nghiệp, đây là một dụng ý nghệ thuật làm nổi bật chủ đề truyện” ca ngợi những con người âm thầm làm việc, cống hiến sức trẻ cho đất nước'.

Cùng với những người kĩ sư trồng rau, nhà khoa học nghiên cứu sét,... anh thanh niên đã trở thành biểu tượng cho những con người đang hăng say lao động cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Ra đời năm 1970, giữa lúc miền Bắc đang hăng say sản xuất để chi viện cho miền Nam đánh Mĩ, nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” đã thực sự trở thành biểu tượng cho những anh hùng lao động đồng thời kì đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân miền Bắc. Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm thật tốt đẹp. Hình ảnh của anh đã và đang động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục noi gương để đi theo bước chân dũng cảm, cao đẹp của cha anh ngày trước.

anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa ...

Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 4)

Xuất hiện trên diễn đàn văn học Việt Nam với lối viết tinh tế, lịch lãm, nhà văn Nguyễn Thành Long được biết đến qua những sáng tác được ví như 'một thứ thơ bằng văn xuôi về cuộc sống mới, con người mới'. Điều này đã được thể hiện qua trích đoạn 'Lặng lẽ Sa Pa'. Qua tác phẩm, tác giả đã khám phá, khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động. Điều này đã được thể hiện rõ qua hình tượng anh thanh niên qua những nét đẹp về phẩm chất, tâm hồn và tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như sự cống hiến thầm lặng đầy cao đẹp.

Trong bối cảnh bức tranh thiên nhiên thơ mộng, mờ ảo, tác giả đã ngợi ca những con người lao động luôn sống và làm việc với lòng say mê nhiệt thành, đặc biệt là hình tượng nhân vật anh thanh niên với những nét đẹp đáng trân trọng. Anh thanh niên xuất hiện trong trang văn của tác giả qua hoàn cảnh sống và làm việc hết sức khắc nghiệt. Sống trên đỉnh núi cao 2600m cùng mây mù và cây cỏ, công việc hằng ngày của anh là 'đo gió, đo mưa, đo nắng,tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu'. Dù sống trong không gian heo hút cùng khí hậu khắc nghiệt 'Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc', đặc biệt là phải chống chọi với sự cô đơn nhưng anh vẫn vượt lên mọi trở ngại, khó khăn bằng những phẩm chất cao đẹp.

Trước hết, bức chân dung về nét đẹp của con người lao động được tái hiện qua lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc. Dù làm việc trên đỉnh núi cao và không có người thúc giục, giám sát nhưng anh thanh niên vẫn làm việc hết mình và tự giác: luôn báo 'ốp' đúng giờ suốt mấy năm ròng rã, không ngần ngại làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: 'Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc'. Động lực để chàng thanh niên có thế vượt qua mọi khó khăn chính là lòng yêu nghề, thể hiện qua việc anh hăng say nói về công việc một cách say mê và đầy tự hào và coi đó là lẽ sống: '[...] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất'. Quan điểm của anh thanh niên đã thể hiện rõ triết lí: 'Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp'.

Sống trên đỉnh núi cao giá lạnh cùng sự cô đơn nhưng anh thanh niên vẫn tạo ra cho mình một nếp sống văn minh và ngăn nắp. Điều này thể hiện qua cách bài trí bình dị nhưng khoa học trong căn nhà nhỏ: 'một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm'. Ngoài công việc, anh còn nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu trí tuệ, mở mang hiểu biết bằng thú vui đọc sách, xem sách là phương tiện để tìm hiểu, giao lưu với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, những thú vui tao nhã như trồng hoa, nuôi gà cũng góp phần làm cho cuộc sống của anh trở nên phong phú, đa dạng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay từ những trang văn đầu tiên của thiên truyện, anh thanh niên còn xuất hiện với vẻ đẹp của sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách. Cuộc đối thoại và hành động ân cần của anh đối với bác lái xe cùng niềm vui khi có khách ghé thăm bất ngờ đã cho thấy sự trân trọng giá trị tình cảm và khao khát được gặp gỡ, trò chuyện của nhân vật. Ngoài ra, đây còn là chàng trai khiêm tốn và thành thực. Mặc dù làm việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt và đem đến những cống hiến vĩ đại nhưng khi ông họa sĩ ngỏ lời phác họa chân dung, anh nhiệt thành giới thiệu những người khác và cho rằng những đóng góp của mình chỉ là bé nhỏ.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được nhân vật anh thanh niên ngời sáng những vẻ đẹp về cách nghĩ, tinh thần, tình cảm cũng như cách sống và làm việc, trở thành một biểu tượng đẹp, minh họa cho bức chân dung của những con người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời thể hiện rõ tài năng xây dựng tình huống truyện và xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Phân tích 4 vẻ đẹp của anh thanh niên (Mẫu 5)

Mạch nước âm ỉ dưới vách núi đã đổi thay qua những ngày xuân xanh đến những chiều thu buồn. Những đền đài rồi sụp đổ dưới ánh chiếu của thời gian, những tranh tượng rồi tiêu tan hoá thành bụi vàng của quá khứ. Ấy vậy mà có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như trong “Nghĩ lại về Paustovsky” Bằng Việt từng chiêm nghiệm: “Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ.

Như những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”. Ẩn chứa trong những tác phẩm ấy là thế giới được nhà văn phác họa một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị mà chẳng kém phần tinh tế. “Lặng lẽ Sa pa” chính là một trong số đó. Nguyễn Thành Long đã dẫn lối ta đến với xứ sở của những con người lao động miệt mài mà thầm lặng. Nhân vật anh thanh niên chính là biểu tượng cho phẩm chất và con người ở miền đất ấy.

Nguyễn Thành Long được đánh giá là cây bút đầy cuốn hút, chuyên viết về truyện ngắn và kí. Thước phim mang tên “Cuộc đời” của ông là những năm tháng lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và lặng lẽ ra đi. Những tác phẩm của Nguyễn Thành Long có lối viết nhẹ nhàng, trong trẻo, thơ mộng pha chất kí, giàu chất trữ tình và đậm chất thơ. “Lặng lẽ Sa Pa” sáng tác năm 1970 trong chuyến đi thực tế Lào Cai, in trong tập “Giữa trong xanh” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách ấy. Trong truyện, ta bắt gặp những trang đời, ta thấm nhuần vẻ đẹp của những con người lao động hăng say mà thầm lặng. Tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên ngời sáng với những phẩm chất tốt đẹp.

Anh thanh niên là một chàng trai 27 tuổi, cái tuổi sôi nổi, yêu đời và khát khao được cống hiến cho đời. Anh sống và làm việc một mình ở đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m với rừng xanh, mây trắng, bão tuyết và sương rơi. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc mỗi ngày của anh là “ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”. Nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu, Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn và có tinh thần trách nhiệm cao. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt ấy lại là “chiếc đòn bẩy” nâng tầm cho ý chí sắt đá, nghị lực phi thường của anh thanh niên được nổi bật và neo giữ mãi trong trái tim người đọc.

Anh thanh niên là một người nhiệt thành, yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh tự nguyện chấp nhận sống trên đỉnh núi cao vời vợi, thiếu vắng thanh âm của con người và phải một mình chống chọi, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết. Đối với công việc, anh yêu và say mê nó đến nổi khi người ta còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m của anh thì anh lại mơ ước được làm việc trên đỉnh Phan-xi-băng cao đến 3142m. Bởi với anh “làm khí tượng ở độ cao thế mới là lí tưởng”. Anh còn có những chiêm nghiệm đúng đắn và sâu sắc về mối liên kết giữa công việc với con người. Với anh, công việc như một người bạn tri âm tri kỉ song hành cùng ta đi qua những nốt thăng trầm:” Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh đâu xem công việc của mình là những nhiệm vụ khô khan và nhạt nhẽo. Công việc với anh là lí tưởng, là nguồn vui, dẫu nó thật gian khổ, thật cô độc nhưng “cất nó đi cháu buồn chết mất”. Chan chứa trong những câu nói ấy là biết bao tình yêu, bao nỗi niềm say mê của người thanh niên trẻ. Anh còn tìm ra ý nghĩa của công việc thầm lặng ấy. Anh hiểu rằng công việc của mình gắn bó với biết bao tâm sức của những anh em đồng chí dưới kia, là mắt xích quan trọng trong sự nghiệp “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Khi biết việc mình phát hiện được một đám mây khô đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên cầu Hàm Rồng, anh thấy “thật hạnh phúc” biết nhường nào. Cũng chính vì yêu tha thiết công việc nên ở anh còn có những hành động đầy trách nhiệm. Dẫu làm việc một mình, chẳng có ai đôn đốc hay giám sát, anh vẫn luôn tự giác, nghiêm túc và tận tụy với nghề. Có là ngày hay đêm, mưa tuyết hay rét lạnh, anh thanh niên vẫn chẳng nề hà vất vả, không bỏ qua bất kỳ một giờ “ốp” nào. Anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc của mình với tác phong khoa học, nghiêm túc và chính xác.

Tuy được ví như “người cô độc nhất thế gian” , tuy phải sống một mình trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nhưng anh thanh niên không hề buông thả bản thân hay cảm thấy chán nản và buồn tẻ. Ở anh toát lên lối sống giản dị, lạc quan và yêu đời. Anh tự tạo ra âm hưởng của niềm vui trong bản hòa tấu mang tên “Cuộc sống” của anh. Anh thanh niên trồng đủ những loại hoa như “hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn”. Người ta cứ ngỡ bức họa về cuộc sống nơi đỉnh núi cao vời vợi ấy sẽ chỉ độc nhất mảng màu lạnh lẽo, xám xịt của mây trời bạt ngàn và màn sương dày đặc. Nhưng anh thanh niên đã chấm phá cho ngôi nhà nhỏ của mình bao sắc màu ấm áp và rạng ngời. Anh còn nuôi gà, nuôi ong để làm phong phú nguồn lương thực và làm những món quà nho nhỏ gửi trao những vị khách hiếm hoi. Anh thanh niên còn tìm đến sách như một người bạn tâm giao cùng anh chuyện trò, cùng nương tựa vào nhau để vượt qua sự vắng lặng kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Nhờ có sách, anh có thể tự trau dồi thêm tri thức cho bản thân và làm giàu thế giới quan của mình. Không chỉ sắp xếp, tổ chức công việc một cách khoa học, chính trong gian nhà nhỏ của anh cũng toát lên vẻ gọn gàng, ngăn nắp. Anh làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách, đọc báo như một người đang sống và làm việc giữa lòng thành phố, với mọi người, chứ không phải riêng mình anh. Không gian sống của người thanh niên trẻ đã gieo vào trái tim ông hoạ sĩ bao xúc cảm trầm trồ và ngỡ ngàng. Những giọt nắng ấm nóng của tinh thần lạc quan đã sưởi ấm cõi lòng anh trong khí trời lạnh lẽo và thoáng đãng của thiên nhiên Sapa. Chính tình yêu tha thiết dành cho cuộc đời đã trở thành điểm tựa vững bền giúp anh chủ động bước tiếp về phía trước, vượt qua hết thảy những gian truân, vất vả của hoàn cảnh sống đặc biệt. Từ ấy, anh tìm được niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa trong những điều nhỏ nhặt.

Tâm hồn anh vẫn luôn gần gũi, vẫn ấm nóng, chân thành, cởi mở và hiếu khách biết chừng nào. Anh “thèm người”, “thèm nghe chuyện dưới xuôi” và khao khát được bên người, được cùng người trao nhau ánh mặt và chuyện trò cùng người. Chính vì lẽ đó, anh liền bày kế lấy những khúc thân cây chắn ngang đường để dừng lại những chiếc xe hiếm hoi. Niềm hưng phấn khi được chào đón những vị khách cứ dào dạt trong anh, toát lên qua “nét mặt rạng rỡ”. Phải chăng vì đã lâu không được gặp người nên anh cứ luống cuống cả lên chẳng kiềm được cảm xúc rồi cứ tất tả chạy ngược chạy xuôi. Anh gửi trao những quan tâm chân thành và chu đáo đến mọi người. Chỉ thoáng nghe qua lời kể từ bác lái xe rằng bác gái vừa ốm dậy, anh đã chủ động đi đào củ tam thất một cách âm thầm để biếu bác dẫu chẳng có ai nhờ cậy anh làm. Đâu chỉ dừng lại ở đó, anh thanh niên còn vô cùng thân thiện, cởi mở với những người chỉ mới gặp lần đầu. Anh niềm nở tiếp đón bác hoạ sĩ cùng cô kĩ sư lên thăm nhà. Bó hoa cho cô gái vào lần đầu gặp gỡ, nước chè cho ông hoạ sĩ già và làn trứng ăn dọc đường cho hai bác cháu.Anh hồ hởi và thích giao tiếp, anh nói “những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ”. Anh hồn nhiên kể về công việc, về những người đồng nghiệp và cuộc sống thường nhật của anh. Với anh thanh niên, từng khoảnh khắc tích tắc trôi qua được trò chuyện với những người mà anh chỉ mới gặp thôi cũng thật quý giá biết bao. Khoảnh khắc ấy, anh thổ lộ những điều bám rễ trong lòng mà rất lâu rồi anh mới có dịp tâm sự cùng người. Bởi thế, anh cứ đếm từng giây từng phút trôi qua và lo sợ sẽ hoài phí 30 phút gặp gỡ ngắn ngủi mà quý giá.

Công việc của anh thanh niên có vị trí quan trọng trong sự nghiệp chuyển mình của đất nước. Thế nhưng, anh lại rất khiêm tốn và thành thực cảm thấy những điều anh làm thật nhỏ bé biết bao so với người khác. Anh chỉ dành 5 phút ngắn ngủi để nói về bản thân, về công việc và cuộc sống của anh. Tác giả như muốn nhấn mạnh sự chênh lệch về thời gian để làm nổi bật phẩm chất khiêm tốn của anh. Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ kí họa về anh, anh thật tình bối rối, cảm thấy bản thân không có gì đáng để một họa sĩ ghi lại :”Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng để bác vẽ hơn”. Đó là ông kĩ sư vườn rau ngày đêm miệt mài và kiên nhẫn để đem đến cho nhân dân xứ Bắc những củ su hào ngon ngọt và to hơn. Đó là đồng chí nghiên cứu bản đồ sét quanh năm suốt tháng bám trụ nơi cơ quan và luôn giữ vững tư thế sẵn sàng trong công việc. Anh thấm thía cái nghĩa, cái tình của xứ sở Sa pa, thấm thía sự hi sinh của “những nốt nhạc trầm” trong bài ca lao động.

Trái tim của anh luôn rạo rực một ngọn lửa khát vọng, khát vọng được sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống có ích cho đất nước, cho mọi người. Đất nước có chiến tranh, anh xin ra trận. Không được ra trận, anh vẫn tận tụy làm thật tốt công việc. Hạnh phúc của người con trai ấy chẳng phải là ái tình tuổi trẻ, được giàu sang hay quyền lực. Hạnh phúc với anh là được làm việc, được cống hiến cho đất nước. Hạnh phúc khi ấy đã vượt ra ngoài biên giới của nó, không chỉ bó hẹp trong từng cá nhân mà lan tỏa đến những người khác, có ý nghĩa với nhiều người. Phải chăng một trong số những ẩn ý của tác giả qua việc không đặt tên riêng cho nhân vật chính mà lại gọi anh là “anh thanh niên” bởi anh đại diện cho tầng lớp các bạn trẻ đang ngân vang giai điệu bất diệt của lí tưởng sống cao cả, lao động quên mình vì Tổ quốc. Dừng chân trên thi đàn văn học, ta bắt gặp những hồn thơ mang âm hưởng sâu sắc về lí tưởng sống, lòng nồng nàn yêu nước của thanh niên trẻ. Một trong số đó là thi phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm:

“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

“Lặng lẽ Sa pa” đã đạt được nhiều thành công trong phương diện nghệ thuật. Cốt truyện đơn giản không có những thanh âm kịch tính, hối hả. Tác phẩm như dòng suối tĩnh lặng, nhẹ nhàng chảy trôi vào đời, đi qua những ngõ ngách trong trái tim người đọc và cứ thế lắng đọng nơi sâu thẳm cõi lòng. Cách xây dựng tình huống truyện hợp lí, tự nhiên, độc đáo và đặc sắc, đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của những nhân vật. Trong 30 phút ngắn ngủi ấy, tác giả đã thật tài tình khi vận dụng cách kể chuyện giản dị, cách miêu tả con người và cảnh vật dưới nhiều điểm nhìn. Thành công nổi bật của tác phẩm là việc chung hòa giữa tự sự, bình luận và trữ tình. Với ngôn ngữ đậm chất hội hoạ, thiên truyện có dáng dấp như một bài thơ. Khiến ta ngây ngất trong chất men say trữ tình lãng mạn của một thiên nhiên nên thơ đến những con người làm việc lặng lẽ, quên mình vì Tổ quốc.

Tô Hoài từng nhận xét:“Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thành Long tương tự một trang đời, một mảng, một nét của cuộc sống chắt ra. Ta thường gặp ở Nguyễn Thành Long những nhận xét nho nhỏ, như nhắc khẽ người đọc”. Đến với “Lặng lẽ Sa pa”, ông đã gửi trao bao suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc rằng Sapa lặng lẽ nhưng không tầm thường, Sapa mà người ta cứ nghĩ tới việc sẽ đến dừng chân để nghỉ ngơi, để tĩnh dưỡng tâm hồn sau những giây phút oằn mình trong guồng quay của cuộc sống. Ở mảnh đất đó, có những con người đang thầm lặng dâng hiến thanh xuân và sức trẻ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tác giả đã thực sự phác họa thành công chân dung của nhân vật anh thanh niên, một chân dung tuy chỉ kí họa trong mấy mươi phút nhưng vẫn có những vẻ đẹp sống mãi trong tiềm thức người độc giả.

1 79 lượt xem