Top 35 mẫu Phân tích Kiều gặp Kim Trọng

Sinx.edu.vn xin giới thiệu tới các em 35 mẫu Phân tích Kiều gặp Kim Trọng giúp các em làm bài văn có nhiều cách phân tích Kiều gặp Kim Trọng đa dạng hơn được điểm tốt trong môn Ngữ văn.

1 151 lượt xem


Phân tích Kiều gặp Kim Trọng

II) Các bài văn mẫu phân tích Kiều gặp Kim Trọng

Phân tích Kiều gặp Kim Trọng (Mẫu 1)

Truyện Kiều là một tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du mà đến tận ngày nay người ta vẫn ngớt lời khen ngợi và tìm hiểu về nó. Tác phẩm viết về Thúy Kiều – một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại có số phận truân chuyên, éo le và bi kịch, bị đẩy đưa bởi xã hội phong kiến đương thời tàn ác, bất công. Nguyễn Du muốn thông qua cuộc đời Kiều để mà lên án cái xã hội ấy và thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, công lý, người phụ nữ được sống đúng với bản năng, tình yêu và tự do của mình. Đoạn trích Thề nguyền là một trong những trích đoạn đẹp nhất Truyện Kiều, khi miêu tả cảnh Kiều cùng tình yêu đầu của mình – Kim Trọng thề nguyền, hẹn ước tình yêu dưới trăng.
Đoạn trích Thề nguyền thuộc phần đầu của tác phẩm Truyện Kiều – Gặp gỡ và đính ước, từ câu thơ thứ 431 đến 452. Đây là phần tiếp nối sau cuộc chơi xuân của chị em Kiều và sau cuộc gặp gỡ tình cờ với Kim Trọng ở hội 'đạp thanh' ấy. Hai con người tài sắc đã phải lòng nhau gần như ngay lập tức và trong họ đã nảy nở một thứ tình yêu sâu đậm. Về phần Kim Trọng, từ ngày gặp gỡ, chàng không thể quên được hình ảnh của nàng Kiều, vậy nên chàng đã tìm cách thuê nhà trọ gần nhà Kiều để ngày đêm có thể nhìn thấy nàng. Về phần Kiều, nàng cũng như Kim Trọng, ngày đêm mong nhớ tình lang. Một ngày nhân lúc cả nhà đi chơi, nàng quyết định tìm sang phòng Kim Trọng để cùng nhau hàn huyên cho thỏa nỗi nhớ mong. Chiều tà, nàng trở về nhà, nhưng cả nhà chưa ai về, nàng đã quyết định quay lại gặp Kim Trọng và tại đây, hai người đã cùng nhau hẹn ước và thề nguyền dưới ánh trăng sáng.
Khi viết đoạn trích này, Nguyễn Du đã bộc lộ cho người đọc thấy được tư tưởng tình yêu tự do của mình, khi ông để cho Kiều là người tìm đến Kim Trọng chứ không phải ngược lại. Ông muốn người phụ nữ được thoát ra khỏi cái vòng lễ giáo phong kiến luẩn quẩn để tìm đến với tình yêu đích thực của mình. Và ông đã thể hiện điều đó trong bước chân dứt khoát của Kiều khi tìm đến với Kim Trọng:
'Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu'
Những người phụ nữ xưa thường chịu ảnh hưởng sâu sắc của lễ giáo phong kiến, của những điều luật như tam tòng tứ đức, khiến họ không thể thể hiện được tài năng cũng như không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ 'cha mẹ đặt đâu con ngồi đó'. Vậy nên càng không thể có chuyện trai gái chưa vợ chưa chồng lại có thể lén lút gặp gỡ nhau mà bày tỏ tình yêu, nếu làm vậy, người con gái sẽ mang tội thất tiết, thiếu lễ giáo, … Ấy vậy mà ở đây, Nguyễn Du đã để Kiều làm tất cả điều ấy. Giữa đêm khuya, nàng băng lối vườn khuya để tìm đến với tình yêu của mình, tự tay quyết định tình yêu và cuộc đời của mình. Những từ ngữ như 'vội', 'xăm xăm' đều diễn tả sự vội vã, sự nhanh chóng, khẩn trưởng của Kiều khi sang nhà Kim Trọng lần thứ hai. Nàng 'băng lối vườn khuya một mình' mà chẳng hề sợ hãi, phải chăng, tình yêu đã tiếp cho nàng thêm sức mạnh? Sự tĩnh mịch của đêm khuya chẳng hề làm nàng chùn bước, mà ngược lại, tình yêu bỏng cháy trong con tim nàng đang xé bỏ đi lớp rào chắn của định kiến phong kiến để đưa bước chân nàng tới với tình yêu của mình!
Lễ giáo phong kiến quan niệm 'nam nữ thụ thụ bất thân', nữ nhi cũng không phải người có thể quyết định tình yêu, hôn nhân của mình, ấy vậy mà Kiều lại khác. Nàng phá bỏ tất thảy mọi rào cản để 'băng lối' sang nhà Kim Trọng, thật quá táo bạo, thật quá liều lĩnh! Một người con gái thông minh như Kiều lại luôn được dạy lễ giáo từ nhỏ sao có thể làm điều đó, phải chăng, tình yêu mãnh liệt đã đưa lối khiến nàng tìm đến thư phòng của chàng Kim để bày tỏ tình yêu của mình?
Mặt trăng soi tỏ từng cành cây bên vườn vắng còn giai nhân thì đang mau lẹ bước chân để tìm tới nhà tình lang còn chàng Kim thì đang mơ mang bên hương án dưới ngọn đèn học thiu thiu:
'Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê'
Chàng trai hào hoa phong nhã ấy đang dựa đầu vào hương án mà thiu thiu ngủ 'dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê', thì chợt bước chân của nàng thơ ghé tới, 'tiếng sen' nhẹ nhàng tiến lại gần chàng. Không gian ở đây bao trùm bởi ánh trăng, ánh trăng rẽ lối để Kiều tìm đến Kim Trọng, trăng càng 'xế' thì nàng càng gần với người mình yêu thương. Những hình ảnh ước lệ như 'tiếng sen', 'hoa lê', 'giấc hòe', 'giấc mộng đêm xuân' như càng góp phần làm nên cái tâm trạng hư hư thực thực của Kim Trọng. Chàng chẳng rõ đang mơ hay đang tỉnh, 'mơ màng' không biết hình ảnh của Kiều có là thực chăng, hay là giấc mộng của chàng khi mong nhớ về nàng?
'Tiếng sen sẽ động giấc hè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng'.
Sự xuất hiện đột ngột lần thứ hai của Kiều khiến cho Kim Trọng tưởng đâu nàng là nữ thần của đỉnh Vu Giáp xuất hiện trong giấc mơ đêm hè của chàng. Sự xuất hiện ấy đột ngột quá đỗi khiến chàng không thể tin được đó là sự thật cho đến khi 'miệng hoa' cất lời:
'Nàng rằng: 'Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?'
Nếu như sự xuất hiện của nàng là một sự đột ngột quá đỗi với chàng thì lời nói và hành động của nàng càng khiến cho Kim Trọng bất ngờ hơn nữa. Một hành động mà chắc chỉ có Kiều mới dám táo bạo và liều lĩnh như thế 'vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa'. Vì tình yêu nên nàng sẵn sàng vượt lên tất cả mọi định kiến về lễ giáo phong kiến để tìm đến với mối tình của mình. Giữa trong 'đêm trường' khuya khoắt ấy, giữa ánh trăng vằng vặc ấy, không chỉ là thời gian, không gian của vũ trụ mà còn là không gian, thời gian trong tình yêu của nàng. Những người đang yêu bao giờ cũng cảm thấy thời gian bên nhau thật ngắn ngủi, còn thời gian xa nhau ngỡ như 'đêm trường' tối tăm và xa cách. Nàng muốn được gần Kim Trọng thêm nữa. Hai chữ 'hoa' trong một câu thơ mà nàng dùng, vốn là từ để chỉ người con gái đẹp thì ở đây lại phiếm chỉ tình yêu son sắt của nàng dành cho Kim Trọng. Giờ đây khi đã gần bên nhau, nàng muốn ước hẹn cùng Kim Trọng để chứng minh cho tình yêu của mình. Bởi sau khi bên mộ Đạm Tiên trở về, nàng luôn mang trong mình nỗi lo âu, thấp thỏm, nàng sợ rằng tình yêu này cũng chỉ như giấc 'chiêm bao'.
Sự xuất hiện đột ngột chẳng báo trước của Kiều cùng những lời nói của nàng khiến cho Kim Trọng vô cùng kinh ngạc, bởi nó đã vượt qua tất cả mọi lễ giáo thông thường. Thế nhưng, chàng hiểu tất cả, bởi tình yêu của chàng dành cho Kiều cũng đã vô cùng sâu đậm, gặp lại tình nhân ở đây thật không lời nào tả xiết. Chàng rước nàng vào hương án với sự vội vàng, không biết mơ và thực nữa:
'Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương'
Chàng thêm sáp thêm hương cho không gian thêm phần rực rỡ, cũng là để mừng cho khoảnh khắc hạnh phúc sum vầy của đôi lứa yêu nhau. Và cũng tại không gian này, chàng và nàng cùng 'thảo' một tờ giấy hẹn thề, đính ước cùng nhau, ước hẹn trăm năm bạc đầu. Cắt một lọn tóc nhỏ, rồi chia làm đôi làm tín vật đính ước của đôi trai tài gái sắc. Tất cả những vật nhỏ bé ấy giờ thành những tín vật trang trọng nhất, đẹp đẽ nhất chứng minh tình yêu của hai người. Và trong không gian ấy, không thể thiếu ánh trăng soi tỏ trên đầu, ánh trăng ấy là chứng nhân cho tình yêu của họ:
'Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song'.
Có lẽ khi bất cứ ai nhắc đến tình yêu của Kiều và Kim Trọng đều nhớ đến hình ảnh của đôi trai gái cùng ngồi thề nguyền dưới ánh trăng. Hình ảnh đó đẹp rực rỡ, đẹp như mối tình trong sáng, vượt trên mọi lễ nghi của họ. Hai con người giờ đây đã chung một chữ thề 'một lời song song' cùng nhau hẹn ước, cùng nhau thề hẹn trăm năm bạc đầu.
Nguyễn Du quả là một nhà thơ tài hoa bởi chỉ với vài dòng thơ ngắn ngủi, nhưng ông đã vẽ lên cho chúng ta thấy được một bức tranh của đôi trai tài gái sắc cùng nhau thề nguyền. Bức tranh ấy đẹp lung linh với ánh trăng làm nền soi tỏ. Để cuối cùng khi kết lại, hai người đã cùng nhau tạc lên 'một chữ đồng': đồng tâm, đồng lòng đến chết. Hai con người ấy đã thề nguyền suốt kiếp chung tình với đối phương, ghi tạc vào trong tim, mãi mãi không bao giờ quên. Tất cả đã chứng tỏ một thứ tình yêu son sắt, thủy chung đến vô cùng, tình yêu của họ vượt lên trên tất cả những định kiến lễ giáo phong kiến, vượt trên cả không gian và thời gian, nguyện lòng theo đuổi một thứ tình yêu đến suốt đời, suốt kiếp.
Đoạn trích Thề nguyền là một trong những trích đoạn hay và lãng mạn nhất trong Truyện Kiều. Bởi ở đây không chỉ chứa đựng cảnh thề nguyền hẹn ước của đôi lứa Kiều – Kim Trọng và còn thể hiện cả quan điểm tình yêu tự do, hôn nhân và hạnh phúc tự do – một quan điểm vô cùng tiến bộ của Nguyễn Du thời ấy. Dù rằng sau này, Kiều phải đành lòng trao lại mối tình sâu nặng ấy cho Thúy Vân để em gái thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, nhưng những khung cảnh đẹp đẽ giữa họ, lời thề ước giữa họ thì vĩnh viễn tồn tại như ánh trăng hôm đó. Qua đoạn trích này, ta cũng thấy được tài năng của Nguyễn Du khi xây dựng những hình ảnh ước lệ đẹp tuyệt vời, khả năng sử dụng ngôn ngữ vô cùng đặc sắc của ông.

1 151 lượt xem