Lý thuyết Bài tập lí thuyết
Lý thuyết Bài tập lí thuyết
A. Lí thuyết và phương pháp giải
1. Dao động tắt dần
a. Định nghĩa: Dao động có biên độ giảm dần theo thời gian gọi là dao động tắt dần.
b. Nguyên nhân làm tắt dần dao động: là do lực ma sát và lực cản của môi trường làm tiêu hao cơ năng của con lắc, chuyển hóa dần dần cơ năng thành nhiệt năng. Vì thế biên độ của con lắc giảm dần và cuối cùng con lắc dừng lại.
c. Ứng dụng: Các thiết bị đóng cửa tự động hay giảm xóc ô tô, xe máy, ... là những ứng dụng của dao động tắt dần.
2. Dao động duy trì
- Nếu ta cung cấp thêm năng lượng cho vật dao động có ma sát để bù lại sự tiêu hao vì ma sát mà không làm thay đổi chu kì riêng của nó thì dao động kéo dài mãi và gọi là dao động duy trì. - Năng lượng bù đắp trong dao động duy trì: A= -ΔW = W1 – Wn |
Cơ chế bổ sung năng lượng cho đồng hồ quả lắc |
3. Dao động cưỡng bức
a. Định nghĩa: Dao động chịu tác dụng của một ngoại lực cưỡng bức tuần hoàn gọi là dao động cưỡng bức.
b. Đặc điểm của dao động cưỡng bức:
Ø Về tần số: Dao động cưỡng bức có tần số bằng tần số lực cưỡng bức
Ø Về biên độ:
- Dao động cưỡng bức có biên độ không đổi.
- Biên độ của dao động cưỡng bức phụ thuộc vào
+ biên độ của lực cưỡng bức,
+ lực cản trong hệ: Biên độ của lực cưỡng bức càng lớn khi lực cản càng nhỏ.
+ sự chênh lệch giữa tần số cưỡng bức f và tần số riêng f0 của hệ: sự chênh lệch càng ít thì biên độ của dao động cưỡng bức càng lớn
4. Hiện tượng cộng hưởng
a. Định nghĩa: Hiện tượng biên độ của dao động cưỡng bức tăng dần lên đến giá trị cực đại khi tần số f của lực cưỡng bức tiến đến bằng tần số riêng f0 của hệ dao động gọi là hiện tượng cộng hưởng.
b. Điều kiện để xảy ra cộng hưởng:
w = w0 hoặc f = f0 hoặc T = T0.
c. Đường cong biểu diễn sự phụ thuộc của biên độ vào tần số cưỡng bức gọi là đồ thị cộng hưởng. Nó càng nhọn khi lực cản của môi trường càng nhỏ.
B. Ví dụ minh hoạ
Ví dụ 1. Nêu một số ví dụ thực tế về dao động tắt dần. Trong ví dụ đã nêu, dao động tắt dần là có lợi hay có hại?
Hướng dẫn giải
Một số gợi ý:
– Xe chạy trên cầu, đã tác động làm cầu dao động. Khi xe vượt qua cầu, dao động của cầu sẽ tắt dần. Sự tắt dần dao động của cầu trong trường hợp này là có lợi.
– Khi em bé chơi xích đu, nếu không có lực đẩy liên tục, xích đu sẽ dao động tắt dần. Sự tắt dần dao động của xích đu trong trường hợp này là có hại.
– Do tác dụng của bộ phận giảm xóc, dao động của xe máy và người ngồi trên xe sau khi xe đi qua chỗ xóc bị tắt dần. Dao động tắt dần này là có lợi, giúp giảm sự khó chịu cho người ngồi trên xe.
Ví dụ 2. Nêu một số ví dụ về dao động cưỡng bức xảy ra cộng hưởng trong một thiết bị khi đang vận hành tại gia đình.
Hướng dẫn giải
Khi máy giặt làm việc ở chế độ vắt, lồng giặt quay rất nhanh đã tác dụng một lực tuần hoàn lên vỏ máy. Nếu tần số quay của lồng giặt bằng tần số dao động riêng của vỏ máy thì máy giặt sẽ rung lắc rất mạnh.
Ví dụ 3. Một chiếc thuyền đang dao động bởi những con sóng xô mạn thuyền. Dao động của thuyền có phải là dao động cưỡng bức không?
Hướng dẫn giải
Dao động của thuyền dưới tác dụng của những con sóng xô mạn thuyền là một dao động cưỡng bức.
Ví dụ 4: Trong các trường hợp sau, trường hợp nào có khả năng xảy ra hiện tượng cộng hưởng? Giải thích cơ chế cộng hưởng.
a) Đoàn người bước đều qua cầu, làm cầu rung lắc mạnh.
b) Âm thanh trong thính phòng to hơn phòng thông thường.
c) Cầu vồng sau mưa.
Hướng dẫn giải
a) Trường hợp này có khả năng xảy ra cộng hưởng: Đoàn người bước đều, tạo ra dao động có tần số bằng tần số riêng của cầu.
b) Trường hợp này có khả năng xảy ra cộng hưởng: Kiến trúc của thính phòng được thiết kế để xảy ra hiện tượng cộng hưởng âm thanh, làm âm thanh trở nên to hơn và khán giả có thể nghe rõ dù ca sĩ không dùng micro.
c) Đây không phải hiện tượng cộng hưởng vì cầu vồng xuất hiện do hiện tượng tán sắc ánh sáng.